MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngõ 12 phố Thạch Cầu (phường Long Biên, quận Long Biên, TP.Hà Nội) hai bên các lô đất bị quây tôn kín mít. Đây cũng là lối vào khu đất mà T đang tìm người cho thuê lại. Ảnh: PV

Làng không sổ đỏ và những “luật ngầm bất thành văn”

NHÓM PV LDO | 20/07/2022 07:38

Trong bài viết “Giải mã bí ẩn về đoàn xe ngày đêm chở phế thải lấp sông Hồng: Lộ diện những “ông chủ máu mặt” thâu tóm đất bồi ven sông” đăng trên số báo 165 ra ngày 19.7, phóng viên Báo Lao Động, trong vai người có nhu cầu thuê đất làm kinh doanh dịch vụ, đã tiếp cận đến một số “địa chủ có thế lực và máu mặt” trong tay cai quản hàng chục hécta đất ven sông Hồng (thuộc phường Long Biên, quận Long Biên, TP.Hà Nội) có vị trí đắc địa để làm kinh doanh dịch vụ quy mô lớn. Cũng từ đây, một loạt các quy tắc ngầm để bất kể ai cũng có thể trở thành chủ nhân của một miếng đất ven sông thuộc địa bàn này dần được hé lộ. 

“Chẳng gì qua mắt được chính quyền, chỉ là nhắm hay mở mắt mà thôi”

Như đã nhắc đến tại phóng sự trước của loạt bài, chỉ cần đảm bảo hai yếu tố: chính quyền và xã hội, thì những khu vui chơi, dịch vụ trên các diện tích đất tự nhiên khu vực bãi bồi sông Hồng, chân cầu Vĩnh Tuy (phường Long Biên) sẽ nghiễm nhiên mọc lên và trở thành “gà đẻ trứng vàng” mang lợi về cho một vài cá nhân.

Hoạt động này khá rầm rộ, công khai và thậm chí được sự đồng ý của chính quyền địa phương, thông qua hình thức các hợp đồng trông coi, chống lấn chiếm, chống đổ phế thải. Tuy nhiên gần đây, thông tin với báo chí, Chủ tịch UBND phường Long Biên - ông Ngô Văn Nam - lại khẳng định, đơn vị này không thu bất kỳ một khoản thuế, phí nào từ việc kinh doanh dịch vụ, mà chỉ thu tiền sử dụng đất hằng năm tại đây.

Trong khi đó, UBND phường Long Biên ký hợp đồng giao cho bà Phạm Thị Thu H (không phải người địa phương) để trông coi, chống lấn chiếm, nhưng đến nay đã hết hạn. Dù vậy thì các hoạt động tổ chức kinh doanh, thu phí dịch vụ ra vào này vẫn tồn tại một cách công khai và thậm chí, những người “trông coi” cũng sẵn sàng cho thuê lại một phần nếu ai có nhu cầu, để thu lời ngay trên phần đất thuộc sở hữu của nhà nước.

Đồng khai thác lô đất thuộc khu sinh thái vườn nhãn Vĩnh Tuy với H, T - người được chúng tôi nhiều lần nhắc đến trong kỳ báo trước cũng là chủ nhân của nhiều mảnh đất khác nhau tại phố Thạch Cầu (Long Biên). Thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi, người đàn ông này cho biết, ở đây đất có 3 nguồn gốc bao gồm: Đất có sổ đỏ, đất nông nghiệp và đất “không có gì cả” mà nói thẳng ra là đất “nhảy dù”.

Nhờ có “thế” và biết cách “nhảy dù” nên T nghiễm nhiên trở thành chủ nhân của hàng trăm mét vuông đất khác nhau tại đây. Nhưng dù vậy thì vẫn có không ít diện tích đất mà T đang nắm trong tay bị rơi vào trạng thái “treo” bởi vi phạm những “luật ngầm” khi xây dựng không báo trước.

Chào mời và dẫn chúng tôi khảo sát một mảnh đất có diện tích khoảng 1.500m2, vị trí nằm sâu hút trong một con ngõ nhỏ trên phố Thạch Cầu. Nơi này vắng bóng người qua lại, lối đi chật hẹp bởi hàng chục lô đất bao quanh bị quây tôn kín mít và cỏ dại mọc um tùm, T nói: “Đất này là đất nông nghiệp. Trước anh làm hồ cá Koi, nhưng đang đào dở thì bị phường phát hiện, yêu cầu dừng”.

“Luật ngầm” tại làng không sổ đỏ

Trong quá trình thu thập thông tin, có một thực tế vẫn đang tồn tại nhiều năm ở phố Thạch Cầu, khi T và H không phải là những trường hợp duy nhất bởi bằng cách tuân thủ các nguyên tắc ngầm như: Có mối quan hệ, đi đúng cửa và chịu chi thì ai cũng có thể trở thành chủ nhân của một miếng đất ven sông thuộc địa bàn này. 

Thông qua nhiều đầu mối giới thiệu, chúng tôi được kết nối đến ông C - người vừa bỏ ra 500 triệu đồng “làm luật” để được đồng ý đổ cột, xây tường bao trên phần đất đang quây tôn có diện tích khoảng 250m2 (nguồn gốc cũng là đất nông nghiệp).

Than thở với chúng tôi, ông C cho hay, để lợp được mái tôn trên phần đất này, bản thân ông phải chạy vạy vô cùng khó khăn bởi “làm luật” trên đất có giá tới 4 triệu đồng/m2. Với diện tích khoảng 200m2, tổng tiền giá “bao luật” đã lên đến 800 triệu đồng. Nhưng vì nhờ có mối quan hệ với chính quyền sở tại, ông C được giá ưu đãi và giảm 300 triệu đồng.

“Tiền luật ở đây cao lắm, chú phải lách theo diện chăn nuôi. Ban đầu là đất nông nghiệp, dần dần chuyển thành chăn nuôi rồi cuối cùng hết năm nay đến sang năm thì chỗ này sẽ quây kín hết” - ông C bật mí.

Nhưng để thực hiện được những điều không tưởng này, khi muốn làm bất kỳ điều gì trên đất, việc phải thông báo và “làm luật” là bất khả kháng. Ông C cũng thừa nhận, căn nhà ông đang ở được mua thông qua hình thức lập vi bằng, thỏa thuận miệng và sử dụng giấy viết tay chứ không hề có sổ đỏ.

Để minh chứng rõ nét nhất cho hoạt động hô biến và chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách tràn lan, công khai và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ các đơn vị chức năng tại phố Thạch Cầu, chúng tôi nhiều lần tìm hỏi các hộ dân khác nhau đang sinh sống trong khu vực này. Và tất cả đều cùng chung một đáp án là nhờ những “luật bất thành văn” để định đoạt cách sử dụng đất.

Cụ thể, sinh sống tại địa phương lâu năm và nhà cũng hoàn toàn nằm trên đất không được phép xây dựng, người phụ nữ lớn tuổi tên N, hành nghề tự do và bán trà đá nhưng hiểu rất rõ những điều khoản mà người ở phải chấp nhận khi bỏ tiền túi mua đất ở Thạch Cầu.

Theo bà N, để hợp thức hóa việc xây dựng trên đất nông nghiệp không thể làm một cách ồ ạt, mỗi hạng mục thi công như làm cột, quây tôn, đổ trần… lại cần thêm các khoản phí bôi trơn, đến đúng địa chỉ.

“14 năm tôi ở đây chứng kiến đủ cảnh. Ngày xưa phải mất rất nhiều tiền, đập lên đập xuống không biết bao nhiêu lần vì chạy vạy không đúng cửa mới có được căn nhà này, để tôi hỏi giúp người quen cho không lại phí công, tốn kém” - bà N kể lại và hứa giúp chúng tôi.

Như vậy, dù đất không có sổ đỏ, không có giấy tờ và không có căn cứ về pháp lý, không được đảm bảo và dễ bị thu hồi. Tuy nhiên, bằng cách lập vi bằng, thậm chí là dùng giấy viết tay, việc kinh doanh đất tại đây vẫn diễn ra như cơm bữa nhờ những “luật bất thành văn”.

Thực tế, nhờ những “luật lệ vô hình”, trong khoảng 2 năm trở lại đây, hàng loạt dãy nhà, kho xưởng, cửa hàng đã được quây tôn, xây dựng và đi vào hoạt động. Trở thành “làng không sổ đỏ” tại phường Long Biên, quận Long Biên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn