MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng mật mía ở xứ Thanh rộn ràng vào Tết

QUÁCH DU LDO | 21/12/2020 14:26
Trước Tết Nguyên Đán khoảng 2 tháng, làng mật mía ở xứ Thanh (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) lại nhộn nhịp nổi lửa, cho ra những mẻ mật mía thơm lừng để phục vụ Tết.

Theo đó, những ngày này tại làng mật mía Lâm Thành, xã Thành Kim, huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) luôn trong không khí nhộn nhịp, người xay mía, người đun lò, người chiết xuất mật mía, để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên Đán Tân Sửu sắp tới.

Làng mật mía Lâm Thành, xã Thành Kim, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) những ngày này luôn hoạt động hết công suất . Ảnh: Quách Du

Theo nhiều người làng Lâm Thành cho biết, ở Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, mật mía được xem là món khoái khẩu để thưởng thức cùng bánh chưng và dưa hành trong ngày Tết.

Xuất phát từ nhu cầu trên, nghề mật mía đã được dân làng làm từ xa xưa, đến nay, nghề này vẫn được duy trì, thậm chí, được đầu tư máy móc và mở rộng quy mô.

Ông Đỗ Văn Dương (chủ lò mật mía tại thôn Lâm Thành, xã Thành Kim) cho biết, để làm ra những giọt mật mía thơm ngon, gia đình ông thường phải thức dậy từ sáng sớm tinh mơ. Ảnh Quách Du

Ông Đỗ Văn Dương (43 tuổi, trú xã Thành Kim, huyện Thạch Thành) cho biết, đây là nghề truyền thống của gia đình, từ ông cha truyền lại. Làm nghề này tuy vất vả, nhưng đổi lại thu nhập cũng ổn, nhiều gia đình đã trở nên khấm khá hơn nhờ mật mía.

“Hàng năm, cứ vào độ tháng 11 âm lịch, cả làng lại thu gom mía về rồi nổi lò nấu mật. Để cho ra lò những giọt mật ngon, chúng tôi phải thức dậy từ sáng sớm để ép mía và đun mật. Các công đoạn đều hết sức công phu, đặc biệt, nếu lơ đễnh phút nào nồi mật có thể hỏng như chơi”. – ông Dương chia sẻ.

Những nồi mật mía được đun sôi hàng giờ đồng hồ mới ra được những giọt mật thơm ngon, đặc quánh. Ảnh: Quách Du

Ông Dương cho biết thêm, mỗi ngày gia đình làm ra từ 5 đến 6 tạ mật để cung ứng mật cho khắp các tỉnh. Hiện, giá mật tại lò khoảng 11 nghìn đồng/1kg. “Trừ các chi phí nguyên liệu, công nhân, mỗi ngày gia đình cũng thu về vài triệu đồng” – anh Dương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, một chủ lò mật mía tại thôn Lâm Thành) cho hay, tuy công việc vất vả, nhưng thành quả cũng tạm ổn. Sau nhiều năm làm mật mía, gia đình bà cũng cất xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang. Hiện, cả làng Lâm Thành có 20 lò nấu mật mía. Tất cả các lò đều đang hoạt động ngày đêm để sẵn sàng phục vụ Tết.

Một số hình ảnh về các công đoạn nấu mật mía.

Tập kết nguyên liệu, lựa chọn những cây mia đạt tiêu chuẩn để ép nước. Ảnh: Quách Du
Tiến hành ép mía lấy nước. Ảnh: Quách Du
Sau khi mía được ép lấy nước, thì bỏ vào nồi đun trong nhiều giờ đồng hồ, cho tới khi thành mật mía, đặc quánh. Ảnh: Quách Du
Sau khi nấu, mật mí có màu đen sánh, thơm lừng. Ảnh: Quách Du
Bã cây mía sau khi ép hết nước để khô, thì dùng làm chất đốt để nấu mật. Ảnh: Quách Du
Nhờ mật mía, nhiều gia đình tại thôn Lâm Thành, xã Thành Kim trở nên khá giả, xây được nhà cao cửa rộng. Ảnh: Quách Du

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn