MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làng may cờ Từ Vân nổi tiếng khắp vùng. Ảnh: Hải Vương

Làng may cờ Tổ quốc

VƯƠNG TRẦN - ĐÌNH HẢI LDO | 21/09/2020 09:58
Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, cho đến nay, nghề thêu và may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân vẫn được duy trì. Dù bằng cách ứng dụng máy móc hay sản xuất thủ công trong các sản phẩm, những lá cờ của làng Từ Vân vẫn chứa đựng bao sự tỉ mỉ, cần mẫn, tài hoa và lòng yêu nghề, yêu Tổ quốc của những người thợ.

Không khí rộn ràng ở làng Từ Vân

Những ngày này, những người thợ may cờ của làng nghề Từ Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) đang tất bật làm việc để cung ứng cho thị trường cả nước. Những lá cờ dù in hay thêu, cờ to hay nhỏ, các kích cỡ, các loại cờ khác nhau đều được những người thợ thổi “hồn” vào đó. Đúng 8h sáng, tại nhà anh Nguyễn Quang Phục (SN 1975) - một trong những gia đình có truyền thống với nghề làm cờ Tổ quốc - đã có khoảng 10 người thợ tới cùng làm. Người thanh niên trẻ tuổi đứng ở vị trí máy cắt, chốc chốc lại chỉnh lại tấm vải màu đỏ lớn cho đường nét được ngay ngắn. Người phụ nữ ngồi ở máy khâu chỉnh từng đường chỉ, tiếng máy khâu dồn dập, lúc nhanh, lúc chậm để may cờ. Phía bên ngoài sân, nhiều người trung tuổi đang nhanh chóng lắp những lá cờ Tổ quốc cầm tay (cờ Tổ quốc nhỏ - loại cầm tay cho học sinh vào năm học mới). Anh Phục cũng là người may mắn được làm lá Quốc kỳ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, tung bay trên cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang. Lá cờ treo trên điểm cực Bắc của Tổ quốc là niềm tự hào, cũng chính là động lực thôi thúc anh và gia đình tiếp tục truyền thống theo nghề làm cờ.

Cũng theo anh Phục, trong làng hiện tại có khoảng 10 nhà làm cờ, sản xuất đa dạng. Người thêu cờ, người may cờ. Cờ phục vụ khai giảng năm học mới, cờ Tổ quốc treo ngày Quốc khánh 2.9, băng rôn, khẩu hiệu, phục vụ dịp lễ, Tết, cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam. “Bố tôi làm nghề may cờ, sau này tôi theo nghề bố. Trước đây, may cờ chủ yếu làm bằng tay tốn nhiều thời gian, cần nhiều người làm nên có năm làm không kịp hàng, nhưng hiện nay chúng tôi dùng máy móc sản xuất hiện đại tự động, lập trình trên máy vi tính cho nên độ chính xác, năng xuất rất cao” - anh Phục chia sẻ và cho hay, trong từng sản phẩm đều chứa đựng tình cảm của người làm nghề với quê hương, đất nước.

Nhiều loại cờ được sản xuất ở làng Từ Vân. Ảnh: Hải Vương

Tự hào khi thấy những lá cờ đỏ tung bay

Một tay vừa làm, vừa trò chuyện, bà Đặng Thị Đàm (SN 1957 - mẹ anh Phục) kể: Làng Từ Vân từ xa xưa có truyền thống làm nghề may thêu. Những đứa trẻ trong làng khi đến tuổi đi học cũng là lúc bắt đầu thực hiện các công việc như xỏ chỉ, xâu kim, phụ giúp bố mẹ làm việc. Giai đoạn khi chưa có điện, vào ban đêm, mọi người còn phải làm việc dưới ngọn đèn dầu. Thế rồi, vì tình yêu Tổ quốc, vì sự sáng tạo trong công việc, cũng như nhiều gia đình khác trong làng Từ Vân, gia đình nhà bà Đàm tiếp tục giữ gìn nghề làm cờ Tổ quốc cho tới ngày nay. Gia đình nhà bà Đàm cũng là một trong những cơ sở tiên phong, ứng dụng máy móc hiện đại vào việc làm cờ, để lá cờ được đẹp và chính xác, năng suất được cao hơn.

Niềm vui sướng và tự hào của gia đình bà Đàm cũng như những người dân khác của làng Từ Vân đó chính là khi thấy những lá cờ đỏ sao vàng được phấp phới, tung bay trên khắp phố phường của Thủ đô, trên khắp nẻo đường của đất nước, từ miền ngược tới miền xuôi, từ biên giới tới hải đảo. Càng ý nghĩa hơn khi những lá cờ Tổ quốc thắm tươi được xuất hiện trong các chương trình kỷ niệm lớn, chương trình tặng cờ cho ngư dân bám biển hay những lá cờ được xuất hiện ở những địa điểm thiêng liêng của Tổ quốc.

Gia đình chị Vương Thị Nhung là một trong số ít những hộ thực hiện công việc may và thêu cờ theo cách thủ công. Loại vải làm lá cờ được mua từ làng La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội), còn chỉ thêu được mua từ làng Triều Khúc. Lá cờ khi hoàn thành không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà sắc nét, chắc chắn, ngôi sao vàng nổi bật trên nền cờ đỏ. Đó là lý do khách hàng từ khắp mọi nơi đều thích đặt mua cờ thêu của gia đình chị Nhung. Chị nói: “Gia đình tôi làm nghề này rồi không muốn làm nghề khác nữa. Những lá cờ đặt nơi trang trọng, hay nhiều lúc xem chương trình tivi, những buổi duyệt binh... những lá cờ Tổ quốc từ làng Từ Vân may, thêu. Chúng tôi rất tự hào khi mình làm ra những lá cờ đó”.

Máy cắt hình điều khiển bằng máy vi tính. Ảnh: Hải Vương

Theo các cụ cao niên trong làng Từ Vân, nghề này chỉ dành cho những người bình tĩnh, tỉ mỉ và phải có lòng yêu nghề. Bởi từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu đến việc cắt ngôi sao, chọn chỉ may, thêu, làm logo, huy hiệu trên mỗi lá cờ đều không được phép chênh lệch. Nghề may cờ Tổ quốc cũng có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và mỗi nhà đều có một bí quyết riêng, nhưng cái khó nhất là phải thổi “hồn” vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu.

Theo lịch sử ghi lại, từ thế kỷ 16, làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước bởi các sản phẩm thêu, dệt. Thời đó, không ít người làng đã lên phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hà Nội mở cửa hàng để bán các sản phẩm thêu truyền thống. Ngày nay, không chỉ làm cờ Tổ quốc các kích cỡ, làng nghề còn làm thêm các loại băng rôn theo yêu cầu của khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn