MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá. Ảnh: Trần Tuấn.

Làng nghề “lên” cụm công nghiệp: Bất ngờ giá thuê gấp 6 lần khu công nghiệp

Trần Tuấn LDO | 08/04/2021 14:54

Để doanh nghiệp thu hồi đất ruộng làm cụm công nghiệp làng nghề, người dân giờ muốn thuê xưởng sản xuất tại chính cụm công nghiệp này phải chi ra tiền tỉ. Nhiều người bất ngờ khi biết giá thuê đất tại đây hiện gấp 6 lần các khu công nghiệp cùng địa bàn...

This browser does not support the video element.

Hệ lụy buồn từ việc phân lô, cho thuê trái phép cụm công nghiệp làng nghề. Video: Trần Tuấn - Phan Loan

Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá được UBND tỉnh Bắc Ninh trao quyết định thành lập vào tháng 8.2016 với tổng diện tích 26,5 ha, nằm trên địa bàn thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Theo chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka (trụ sở tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), dự án có tổng mức đầu tư là hơn 490 tỉ đồng.

Cụm công nghiệp này được kỳ vọng sẽ thu hút, di dời các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ tại làng nghề Mẫn Xá và một số làng nghề trong khu vực vào khu sản xuất tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, đến thời điểm này sau 5 năm triển khai, nhiều người dân trong làng nghề Mẫn Xá cho biết, do mức giá thuê đất tại đây quá cao nên dù muốn họ cũng không đủ khả năng để di chuyển xưởng sản xuất ra cụm công nghiệp này theo như quy hoạch của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Khó "lên cụm công nghiệp" như quy hoạch của tỉnh

Ông Nguyễn Văn Bốn ngồi lọt thỏm giữa đống phế liệu chất cao ngang người giữa sân nhà. Thấy khách, ông tất tả dừng việc rồi chạy lại kéo tấm bạt phủ bộ ấm chén và bàn ghế ra. Sống trong làng nghề ô nhiễm bậc nhất cả nước, người dân Mẫn Xá vẫn có thói quen che và bọc kín tất cả đồ đạc như vậy để chống bụi, khói. Với hơn 300 ống khói của các lò tái chế nhôm, ngôi làng lúc nào cũng bao trùm một lớp sương bụi màu xám, len lỏi vào từng ngõ ngách.

Gọi là xưởng sản xuất nhưng ông Bốn cho biết, chỉ có đúng 2 nhân công, gồm thêm cậu con trai hơn 20 tuổi. Thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/ngày, vừa vặn chi tiêu cho một gia đình 4 người.

Chúng tôi hỏi ông Bốn sao không di chuyển xưởng ra Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá theo như quy hoạch, vừa có thể nâng quy mô sản xuất, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Như chạm đúng nỗi bức xúc, giọng người đàn ông tỏ ra gay gắt:

"Người dân giao đất ruộng cho chủ đầu tư với giá hơn 400 nghìn đồng/m2 (giá thu hồi áp dụng theo quy định của Luật Đất Đai 2013 - PV) để làm dự án. Thời điểm thu hồi đất, chủ đầu tư có hứa sau khi hoàn thiện cụm công nghiệp sẽ cho dân làng thuê với giá ưu đãi là 4 triệu đồng/m2. Vậy nhưng, hiện tại giá thuê thấp nhất là 7,2 triệu đồng/m2. Để một xưởng có diện tích 200m2 thì tối thiểu phải đầu tư khoảng 2 tỉ đồng bao gồm cả xây dựng, vận hành. Gia đình tôi không thể xoay sở nổi".

Ông Nguyễn Văn Bốn tại xưởng sản xuất của gia đình. Ảnh: Trần Tuấn

Câu chuyện của ông Bốn là nỗi bức xúc chung của nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ ở thôn Mẫn Xá: Rất muốn di chuyển xưởng sản xuất ra cụm công nghiệp để giảm bớt ô nhiễm nhưng không kham nổi giá thuê. Khi chúng tôi hỏi về việc "lên cụm công nghiệp", nhiều hộ sản xuất ở Mẫn Xá lắc đầu ngao ngán.

Nhà có xưởng nằm sát Cụm công nghiệp, nhưng ông Hà Đình Phú cho biết không có ý định di chuyển xưởng ra đây bởi giá thuê bất hợp lý. Ông Phú kể, thời điểm thu hồi đất ruộng làm cụm công nghiệp (năm 2017), chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Hanaka có tổ chức một cuộc họp với người dân thôn Mẫn Xá. Chủ đầu tư cam kết khi hoàn thành cụm công nghiệp sẽ cho người dân thuê lại với giá ưu đãi là 4 triệu đồng/m2. Ai ai cũng hồ hởi mong dự án sớm đi vào hoạt động.

"Nhưng mới đây, tôi đi hỏi thì mức giá thuê lại từ 7 - 15 triệu đồng/m2, thời hạn thuê đất 50 năm, gấp 2, gấp 3 lần so với hứa hẹn ban đầu. Để lên Cụm công nghiệp làng nghề, một số hộ sản xuất trong thôn phải cắn răng vay ngân hàng đầu tư thêm" - ông Phú nói.

Ông Mẫn Văn Phúc - chủ một xưởng sản xuất khác trong thôn Mẫn Xá - cho rằng, ban đầu khi giao đất nông nghiệp với giá rẻ để thực hiện dự án, người dân rất tin tưởng với lời hứa của chủ đầu tư. Bởi, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka, ông Mẫn Ngọc Anh - cũng là một người con của quê hương Mẫn Xá.

“Bây giờ thì vỡ mộng. Không đủ tiềm lực để lên cụm công nghiệp mà tiếp tục sản xuất tại xưởng của gia đình thì không đúng như chủ trương của tỉnh về việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Muốn chuyển đổi sang làm nông nghiệp thì cũng không còn đất ruộng để làm” - ông Phúc than.

Giá thuê cao gấp 6 lần tại các khu công nghiệp

Trong vai người có nhu cầu thuê đất làm nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Mẫn Xá, chúng tôi tới trụ sở của Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka (TX.Từ Sơn, Bắc Ninh).

Nhân viên kinh doanh làm việc tại trụ sở Tập đoàn Hanaka nói rằng, từ cuối năm 2018, khi vừa thu hồi đất ruộng xong, tập đoàn này đã phân lô và cho thuê các lô đất có diện tích tối thiểu 200m2 tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

"Khoảng 700 lô đất, hiện tại bên em đã bán được khoảng 40 - 50%. Các lô có giá trị thấp đã hết. Giờ lô đất thấp nhất cũng là 7,2 triệu đồng/m2. Cao hơn thì có các mức 10, 13 thậm chí 15 triệu đồng/m2" - nữ nhân viên nói rồi đưa cho chúng tôi xem một số hợp đồng thuê đất thời hạn 50 năm mà Tập đoàn Hanaka đã ký kết với các khách hàng.

Nhân viên làm việc tại trụ sở Tập đoàn Hanaka, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh và bản đồ phân lô Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá. Ảnh: Trần Tuấn

Theo khảo sát của chúng tôi, cùng thời hạn thuê 50 năm, giá thuê đất tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh thời điểm này chỉ dao động từ 100 - 110 USD/m2 (tương đương 2,3 - 2,5 triệu đồng/m2). Như vậy, mức giá thuê tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá đang gấp 3 - 6 lần mức giá trung bình thuê đất tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong khi, khu công nghiệp được xác định dành để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn; còn cụm công nghiệp là nơi để thu hút doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.

Phát hiện một số sai phạm của chủ đầu tư

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Bùi Đức Thuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) - cho hay: “Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa tiến hành định giá. Việc người dân thuê đất tại dự án có thể chỉ là thỏa thuận góp vốn với công ty. Người ta tự định giá với nhau”.

Về việc người dân phản ánh khi giao đất để làm dự án, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ cho thuê lại khi hoàn thành cụm công nghiệp với giá ưu đãi là 4 triệu đồng/m2, ông Thuyên cho rằng: “Ông Mẫn Ngọc Anh (Chủ tịch Tập đoàn Hanaka - PV) là người thôn Mẫn Xá. Đó có thể đó chỉ là thỏa thuận miệng giữa chủ đầu tư và người dân”.

Ông Bùi Đức Thuyên cũng cho biết thêm, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Yên Phong đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một số sai phạm của chủ đầu tư khi triển khai dự án này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn