MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng nghề nhộn nhịp một thời ở Cần Thơ đỏ mắt tìm truyền nhân

MỸ LY - BÍCH NGỌC LDO | 31/05/2023 07:50
Lớp cao niên lão làng không đủ sức bám trụ, những người trẻ lại chẳng thiết tha với nghề vì thu nhập bấp bênh. Đó là hoàn cảnh hiện tại của làng nghề dệt chiếu Cái Chanh từng nhộn nhịp một thời ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Một thời nhà nhà dệt chiếu

Nhiều năm trước, làng chiếu Cái Chanh là nơi nhà nhà trồng lác, người người từ trẻ nhỏ đến người lớn không ai không biết dệt chiếu.

Gắn bó với sợi lác, bàn dập đã 60 năm, nối tiếp nghề dệt chiếu từ đời bà nội, bà Bùi Thị Đào (66 tuổi, P. Thường Thạnh, Q. Cái Răng, TP Cần Thơ) không khỏi tự hào mỗi khi nhớ lại sự nhộn nhịp của làng chiếu Cái Chanh ngày trước.

Để đan được 1 đôi chiếu thủ công cần đến 2 người thợ cùng làm. Ảnh: Bích Ngọc

Với bà Đào, dệt chiếu là một nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và nhất là phải yêu nghề. Bởi muốn cho ra một chiếc chiếu hoàn thiện tốn rất nhiều thời gian và công sức.

"Hồi nhỏ, thấy bà và mẹ dệt chiếu tôi mê lắm, nhưng bắt tay vào làm mới thấy được sự vất vả của nghề. Cho nên, muốn theo phải yêu nghề mới làm được vì ngồi dệt từng sợi từng sợi lác rất công phu, cả ngày chỉ làm được khoảng 4 chiếc chiếu" - bà Đào chia sẻ. 

Đôi tay người thợ khéo léo dệt từng sợi lác bằng bàn dập. Ảnh: Bích Ngọc

Bà Đào cho biết thêm, nghề chiếu tuy cực mà vui: "Mỗi đôi chiếu tuy không lời nhiều, chỉ vài chục nghìn, nhưng nghề này không sợ thất nghiệp, ngày nào tôi cũng có việc làm. Nhất là vào dịp Tết, chiếu được đặt nhiều, tôi phải dậy từ lúc 3 giờ sáng dệt đến 6 giờ tối vẫn không kịp hàng để giao".

Theo nghề dệt chiếu từ năm 12 tuổi, đến nay đã ngoài 50 nhưng bà Nguyễn Thị Tuyền vẫn ngày ngày miệt mài cho ra những chiếc chiếu bền đẹp mang đến người tiêu dùng. Đặc biệt, 7 năm trở lại đây, nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên mỗi ngày bà Tuyền có thể dệt được 20 chiếc chiếu, nhiều hơn so với dệt thủ công.

"Nếu ngày trước, thợ lành nghề làm 1 đôi chiếu thủ công phải cần 2 tiếng rưỡi thì nay tôi dệt bằng máy chỉ mất tầm 30 phút là xong. Với mỗi đôi chiếu thành phẩm, tôi bán được 160.000 đồng, gói ghém cũng đủ trang trải cuộc sống" - bà Tuyền nói.  

Nhờ dệt máy nên mỗi ngày bà Nguyễn Thị Tuyền (P. Thường Thạnh, Q. Cái Răng, TP Cần Thơ) có thể làm ra trung bình 20 chiếc chiếu. Ảnh: Bích Ngọc


Thiếu người kế thừa

Những người dệt chiếu cho biết, ban đầu, các hộ dân nơi đây làm ra chiếu chỉ để bán cho bà con địa phương và một số khu vực lân cận. Dần dần, sản phẩm ngày càng được ưa chuộng và được đưa sang các tỉnh khác như Cà Mau, Sóc Trăng,...

Tuy nhiên, theo thời gian, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm tiện ích, hiện đại và xa dần các sản phẩm truyền thống. Thiếu nguồn tiêu thụ, thu nhập bấp bênh khiến nhiều người trẻ lựa chọn những công việc khác ổn định hơn. Làng chiếu Cái Chanh nhộn nhịp ngày nào giờ đang đứng trước nguy cơ mai một vì thiếu người kế thừa.

Bà Bùi Thị Đào (66 tuổi, P. Thường Thạnh, Q. Cái Răng, TP Cần Thơ) cố gắng bám trụ với nghề được ngày nào hay ngày đó. Ảnh: Bích Ngọc

Đã duy trì qua 3 thế hệ, nhưng nay tuổi đã cao, không đủ sức bám trụ với nghề, bà Đào không khỏi chạnh lòng khi nghề gia truyền không ai kế thừa.

"Con cháu tôi đều biết dệt chiếu nhưng không đứa nào chịu theo nghề. Cũng không thể trách lớp trẻ, vì nghề này cực nhưng thu nhập không bao nhiêu nên chúng nó chọn nghề khác thu nhập ổn định hơn để trang trải cuộc sống. Tôi thì tuổi cao, không thể làm nhiều như trước. Những hôm bệnh không thể ngồi dệt tôi cứ thấy buồn buồn, bứt rứt chân tay" - bà Đào chia sẻ.

Dệt máy tuy nhanh nhưng chi phí cao khiến bà Tuyền phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Bích Ngọc

Dù đã đưa máy vào dệt chiếu để tăng năng suất nhưng bà Tuyền cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, không biết sẽ theo nghề được bao lâu. 

"Làm máy tuy nhanh hơn nhưng lại rất hao nguyên liệu. Nếu ngày trước cả xóm nhộn nhịp cảnh dệt chiếu, nhà nào cũng trồng lác thì nay người ta bỏ nghề gần hết. Nguồn nguyên liệu cũng không còn, tôi phải mua lác từ tận Đồng Tháp chở về. Mỗi xe lác có giá 60 triệu đồng, dệt được 3 tháng, chưa kể chi phí xăng xe" - bà Tuyền nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn