MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh xuất khẩu nhiều lao động nên giàu có, nhà cửa cao tầng khang trang. Ảnh: Trần Tuấn

“Làng tỉ phú” nhờ đi xuất khẩu lao động

TRẦN TUẤN LDO | 21/02/2023 09:23

Xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) từ lâu đã nổi tiếng là làng xuất khẩu lao động nên giàu có, nhà cửa cao tầng khang trang nhất trong các làng quê ở tỉnh Hà Tĩnh.

Xã Cương Gián nằm ở ven biển, trước đây người dân chủ yếu dựa vào nghề đi biển và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nên cuộc sống khó khăn.

Thế nhưng, khoảng vài chục năm nay, với việc giúp nhau cùng đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã mang lại thu nhập cao cho người dân nên cuộc sống của người dân nơi đây trở nên giàu có, nhiều người còn gọi là “làng tỉ phú”.

Cảnh nhà cửa cao tầng san sát, ôtô sang đậu đầy sân nhà khiến nhiều người đến đây ngỡ rằng là một đô thị, một phố phường chứ chẳng phải là làng quê nữa.

Bà Hoàng Thị Thành (55 tuổi, trú tại thôn Nam Mới, xã Cương Gián) - chia sẻ, gia đình bà hiện có chồng và 4 người con đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay, người đi lâu nhất là khoảng 14 năm, mỗi người gửi về khoảng 1.000 USD/tháng.

“Nhiều gia đình có 5-7 người đi xuất khẩu lao động là bình thường. Cứ một vài người đi trước có vốn sau cho người khác mượn tiền để đi, dần dần cả làng, cả xã cùng đi xuất khẩu lao động” - bà Thành chia sẻ.

Sáng 19.2, ông Hoàng Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Cương Gián - thông tin, toàn xã Cương Gián có hơn 3.390 hộ dân với khoảng 15.000 nhân khẩu, trong đó hiện có gần 3.000 người đang đi xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Châu Âu... Nhiều người sang nước ngoài lao động nhiều năm rồi ở lại định cư lâu dài luôn.

“Mỗi năm, toàn bộ số lao động của xã chúng tôi ở nước ngoài gửi về nước khoảng 400-500 tỉ đồng. Ở đây, mỗi gia đình có từ 5 đến 10 người đi xuất khẩu lao động làm việc tại nước ngoài là rất nhiều” - ông Hà chia sẻ.

Bên cạnh việc mang lại nguồn ngoại tệ giúp kinh tế gia đình phát triển đột phá, đời sống nhân dân nâng cao, làng quê đổi mới trở nên giàu có thì theo ông Hà cũng có những mặt gọi là hệ lụy.

Đó là vợ chồng xa cách, con cái ở nhà với ông bà thiếu tình thương và sự chăm lo, dạy dỗ của cha mẹ nên việc học hành nhiều khi cũng không được đến nơi đến chốn, thậm chí một số cháu sớm sa vào tệ nạn xã hội vì có tiền mà thiếu người kèm cặp, quản lý.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 83.000 người đi đào tạo, học tập, công tác, sinh sống và lao động ở nước ngoài.

Riêng năm 2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh đưa được 11.517 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có 6.041 lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), 4.151 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, 306 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc...

Năm 2023, tỉnh này đặt mục tiêu đưa hơn 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn