MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến được bàn giao vào ngày 6.11. Ảnh: PV

Lãnh đạo Hà Nội kiểm tra đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước ngày bàn giao

Phạm Đông LDO | 03/11/2021 21:32

Hà Nội - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn đã kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận bàn giao mặt bằng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và yêu cầu các đơn vị cần đảm bảo công tác an ninh trật tự trong ngày bàn giao.

Chiều tối 3.11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn và các ngành chức năng của Hà Nội đã kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận bàn giao mặt bằng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (2A) trước ngày bàn giao. Dự kiến, ngày 6.11, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội tổ chức bàn giao, tiếp nhận để đưa vào khai thác, vận hành chở khách.

Tại buổi kiểm tra, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị đủ các điều kiện nhân sự để khai thác, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau khi tiếp nhận, các đơn vị chức năng sẽ cho tàu chạy ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách, trước khi thực hiện vận hành thương mại.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn (áo đen) kiểm tra công tác chuẩn bị bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong vài ngày tới.

Theo ông Trường, trong 15 ngày đầu chạy miễn phí, đơn vị sẽ phát cho tất cả người đi tàu thẻ 0 đồng. Số thẻ này sẽ được thu lại vào cuối ngày để công ty tính đếm, làm căn cứ báo cáo khách đi lại mỗi ngày.

Bên cạnh đó, hiện nay có 52 tuyến xe buýt trợ giá liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Riêng tại ga Cát Linh có 16 tuyến xe buýt kết nối để phục vụ việc đi lại của người dân. Hôm khai trương dự án sẽ bố trí lượng xe buýt dự phòng để xử lý những tình huống khẩn cấp. 

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tại mỗi nhà ga đã được bố trí 1 phòng cách ly dành cho những người nghi nhiễm COVID-19.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn kiểm tra tại Ga Thái Hà.

Sau khi nghe báo cáo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đây là một sự kiện quan trọng, đóng góp vào giao thông của thành phố. Đây là mô hình giao thông đầu tiên của Thủ đô và của Việt Nam có phương thức vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ cao không dừng. Việc di chuyển 12 ga đường sắt chỉ mất 23 phút.

Được biết, trong 15 ngày đầu, sẽ có 2 loại tàu hoạt động, trong đó là 3 chuyến tàu tham quan chạy suốt tuyến, không dừng đỗ tại các ga.

Quầy bán vé và cửa đi lại tại ga đường sắt.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị các ngành chức năng hoàn thành hết phần việc còn lại, chuẩn bị chu đáo cho lễ bàn giao. Đặc biệt, vấn đề an ninh trật tự trong ngày thực hiện bàn giao cũng quan trọng không kém gì chạy tàu.

Theo ông Dương Đức Tuấn, trong quá trình vận hành, các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn cho hành khách cần luôn được chú ý và không được có sai sót, chủ quan. Bên cạnh đó là theo dõi sát sao, đánh giá cụ thể đối với nhu cầu sử dụng đường sắt đô thị của người dân.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn kiểm tra hệ thống thang máy lên ga.

Lắng nghe ý kiến đóng góp về quá trình phục vụ của nhân viên tại các ga nhằm đạt được sự hài lòng cao nhất của người dân.

Mặt khác, về công tác tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, các đơn vị có chức năng tổ chức cần điều chỉnh, báo cáo thành phố ngay nếu phát sinh vấn đề chưa hợp lý.

Theo báo cáo phương án kết nối vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến 2A, Hà Nội thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông để đạt tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) sau khi tổ chức lại, với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Trong đó 12 cặp điểm dừng được đặt trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 ga ĐSĐT Cát Linh; La Thành; Thái Hà; Láng; Thượng Đình; Phùng Khoang; Văn Quán; Hà Đông; Văn Khê; La Khê và Yên Nghĩa. 1 cặp điểm dừng cách ga Vành Đai 3 khoảng 200m và 40 điểm dừng giữa 2 nhà ga để tăng cường kết nối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn