MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động bình dân và tâm lý sợ Tết

PHONG LINH LDO | 31/12/2022 09:22
Khi người người nhà nhà chăm lo đón Tết thì đâu đó ở những góc nhỏ của phố thị, lao động bình dân vẫn có tâm lý ngán ngại nỗi lo mỗi khi Tết đến.

Vất vả nhưng... chẳng có dư

Hơn chục năm gắn bó với vỉa hè, khói bụi bằng nghề chạy xe ôm truyền thống, sửa xe để mưu sinh cho gia đình nhưng có lẽ Tết năm nay là cái Tết buồn với ông Nguyễn Minh Đức (50 tuổi, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) bởi vất vả cả năm mà chẳng có dư.

Ông Đức kể, trong năm, do tình hình xăng dầu bất ổn nên ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của ông, nhiều cuốc xe chở khách chỉ để cầm cự chứ không được mấy đồng lời.  

Những ngày cuối năm, bão giá đè nặng lên đôi vai của hai vợ chồng nghèo, con gái là công nhân cũng phải nghỉ việc do đơn hàng hết nên có lẽ vợ chồng sẽ không có tiền ăn Tết 2023.

Ông Nguyễn Minh Đức và nghề bơm xe, vá xe. Ảnh: Phong Linh
 Nỗi lo ngày Tết của người lao động bình dân. Ảnh: Phong Linh

"Đây là năm đầu tiên hai vợ chồng tôi phải chịu cảnh túng thiếu như vậy bởi tình hình kinh tế gia đình quá khó khăn. Phải kể là từ sau đại dịch COVID-19, vợ chồng vất vả hơn trong việc mưu sinh lắm!

2 - 3 năm nay, việc chạy xe truyền thống cũng không thuận lợi do đã có xe ôm công nghệ. Biết là thời thế thay đổi nhưng tôi cũng thấy buồn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình mình. Tuổi già nên tôi đâu còn nghề nào khác" - ông Đức nói. 

Để tăng cường mưu sinh trong những ngày cận Tết, hằng ngày hai vợ chồng dậy sớm từ 4 - 5 giờ để ra góc đường quen thuộc để tăng cường tần suất sửa chữa xe cho khách hàng.

"Bơm xe đạp, tăng sên xe máy, đối với tôi làm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, mấy ngày này hai vợ chồng tôi cứ chạy đua với Tết" - ông Minh Đức chia sẻ. 

Cùng chung nỗi lo lắng ngày Tết như vợ chồng ông Đức, chị Mai Thị Thêm (45 tuổi, Cần Thơ) cũng đang "chạy nước rút" trong những ngày này. Hằng ngày, chị Thêm tăng cường nấu thêm 7kg khoai các loại để bán thay vì số lượng hạn chế như ngày trước. 

"Lúc trước một ngày tôi bán khoảng 13kg khoai là cùng, bây giờ phải bán thêm để kiếm tiền lo Tết. Tết năm nay cực khổ, cuối năm còn nợ nần liên miên nhưng tôi cũng gắng xoay sở mua cái áo cho con và 2-3kg thịt kho để trong nhà. Tết mà, ai cũng muốn gia đình mình no đủ" - chị Thêm nói. 

Tranh thủ làm thêm

Không khí Tết Nguyên đán đang ngập tràn trên khắp tuyến phố, nhà vườn trồng hoa cũng đang tập trung chăm sóc hoa Tết để kịp điểm tô cho các con đường. Tại miền Tây, nghề chăm sóc hoa thuê, tuyển hoa, lặt nụ dịp Tết cũng nổi lên rầm rộ, chị em phụ nữ rủ nhau tranh thủ đi làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. 

 Nghề tuyển hoa, nhặt nụ kiếm thêm thu nhập ngày Tết. Ảnh: Yến Phương

Làm việc tại vườn trồng hoa khu vực phường Long Hòa, quận Bình Thủy, chị Trần Thị Đào (quận Bình Thủy) chia sẻ: "Mỗi năm, cứ độ tháng 11 âm lịch là tôi lại nôn nao, hỏi thăm bà con trong xóm ai cần nhặt cúc, tuyển hoa thì thuê tôi đến làm công. Năm trước, thu nhập của chị em mỗi ngày được 200.000 đồng, cuối năm thu về cũng được 3.000.000 - 4.000.0000 đồng cũng đỡ.

Năm nay, chúng tôi làm nghề tăng được 230.000/ngày, làm ngày nào tính tiền ngày đó. Năm mới có một lần nên mình phải cố gắng để chạy Tết".

 Đôi tay mưu sinh của phụ nữ miền Tây ngày cận Tết. Ảnh: Phong Linh

"Không nhiều thì ít, dù sao cũng còn mua được bộ quần áo cho con và lì xì cho mẹ. Nếu không làm nghề này, tôi cũng không biết kiếm đâu ra tiền để mua bánh, mứt trong nhà.

Con nít mong chờ Tết chứ người lớn như chúng tôi không mong chờ gì, nếu không muốn nói là sợ. Tết tới, phụ nữ phải lo trăm bề, qua Tết lại phải tiếp tục đối diện với khó khăn. Dần dần sau này, cứ thấy trời chuyển gió bấc là tôi thấy Tết tới nơi rồi, phải 'nhảy' thôi" - chị Lý Kim Sa (Bình Thủy) cười kể.

Tâm sự với chúng tôi về nỗi lo ngày Tết nhưng hầu hết người lao động bình dân tại miền Tây vẫn giữ tâm lý lạc quan, yêu đời và cười nói rôm rả. Song, hầu hết mọi người đều mong sẽ vượt qua cái Tết khó khăn và bắt đầu một năm mới sung túc, đủ đầy hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn