MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do số lao động có việc làm tăng nên tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm 2017. Ảnh: Nguyễn Hải

Lao động có việc làm và lao động qua đào tạo có chứng chỉ tăng lên

TRẦN KIỀU LDO | 04/04/2019 16:45
Theo Bản tin Cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 20, quý 4.2018, số người có việc làm là 54,53 triệu người, tăng 478,4 nghìn người (0,89%) so với cùng kỳ năm 2017; đồng thời tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp đạt 22,22%, tăng 0,42 điểm phần trăm so với quý 4.2017.

Tăng lực lượng lao động và số người có việc làm

Ông Đào Quang Vinh-Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội-cho biết, trong quý 4.2018, lực lượng lao động nước ta đạt 55,64 triệu người (77,21% tỷ lệ tham gia lực lượng lao động); số người có việc làm đạt 54,53 triệu người, tăng 22,94 nghìn người (0,42%) so với quý 3.2018 và tăng 478,4 nghìn người (0,89%) so với cùng kỳ năm 2017.

Tỷ trọng người có việc làm là nam chiếm 52,39% (tăng 0,45 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017); khu vực thành thị chiếm 3,75% tổng số người đang làm việc (tăng 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017).

Cũng trong quý 4.2018, cả nước có 23,79 triệu người làm công hưởng lương, chiếm 45,14% trong tổng số lao động có việc làm, tăng 823 nghìn người so với quý 3.2018 (3,46%).

Số lượng và tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông – lâm – ngư nghiệp và thủy sản (NLTS) tiếp tục giảm. Cụ thể, trong quý 4, cả nước có 19,92 triệu người đang làm việc trong khu vực này, giảm 682 nghìn người so với quý 3/2018 và 1,56 triệu người so với quý 4/2017. Số người đang làm việc trong ngành NLTS chiếm 36,53% tổng số lao động đang làm việc, giảm 37,85% so với quý 3.2018 và 39,75% so với quý 4.2017.

Một số ngành có lượng lao động tăng lên nhiều nhất là: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Bên cạnh đó, một số ngành tuy có lượng lao động giảm so với quý 3/2018, nhưng tăng so với cùng kỳ năm 2017 là: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo.

Do số lao động có việc làm tăng nên tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, quý 4.2018, cả nước có 1.062 nghìn người trong độ tuổi thất nghiệp, giảm mạnh 8,81 nghìn người so với quý 4.2017. Số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 34,42% tổng số người thất nghiệp. Số lao động trong độ tuổi thiếu việc làm còn 543,2 nghìn người, giảm 205,7 nghìn người so với quý 3.2017.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH. Ảnh PV

Lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp gia tăng

Quý 4.2018, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ là 22,22%, tăng 0,42 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Theo các cấp trình độ, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên trong tổng số lực lượng lao động là 9,76%; cao đẳng là 3,68%; trung cấp là 5,35% và sơ cấp nghề là 3,43%.

Đánh giá về những con số này, ông Doãn Mậu Diệp-Thứ trưởng Bộ LĐTBXH-cho rằng, Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1.2014 cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ là 18%, giờ là hơn 22%. Như vậy, trung bình mỗi năm tăng 1%, tương ứng với 400-500 nghìn người có bằng cấp.

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á chỉ ra, những nước nói chung thì tỷ lệ người có trình độ học vấn cao nhưng làm công việc thấp hơn chiếm khoảng 40%. Những người trình độ thấp nhưng phải đảm nhiệm công việc có kỹ năng cao hơn chiếm 20%.

Thường chỉ khoảng 40% là tương xứng giữa trình độ đào tạo và công việc đang đảm nhận. Xu hướng chung của các nước là tỷ lệ những người có trình độ đào tạo phù hợp với công việc đang tăng lên. Con số này ở Việt Nam cũng nằm trong khoảng đó. Nhưng tỷ lệ những người có trình độ đào tạo phù hợp với công việc lại đang có xu hướng giảm xuống.

Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Diệp nhấn mạnh: “Nhiều khi chúng ta đang quá quan trọng tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, coi đó là một trong những chỉ tiêu đánh giá chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng đó thực chất chỉ là bề nổi. Vì đằng sau câu chuyện được đào tạo thì cần xét đến công việc tương xứng với trình độ việc làm. Chính điều đó cũng cho thấy sự lãng phí trong giáo dục và đào tạo. Nếu cứ sốt ruột nhấn quá mạnh vào tỷ lệ qua đào tạo thì càng làm cho sự mất cân đối giữa công việc đang làm và trình độ đào tạo gia tăng theo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn