MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lộ trình trả lương, tiền phép của anh Thắng do Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1 lập vào ngày 13.11.2023. Ảnh: NVCC

Lao động Công ty CP Cơ khí lắp máy Sông Đà được lập lộ trình thanh toán tiền lương bị nợ

Quế Chi LDO | 20/11/2023 10:32

Liên quan đến tình trạng người lao động bị Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà nợ lương mà Báo Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh, đã có người lao động được lập bảng kê các khoản nợ và lộ trình thanh toán tiền lương, tiền phép.

Anh Nguyễn Đức Thắng - một người lao động bị nợ lương - cho biết, Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1 vừa lập bảng kê các khoản phải trả cá nhân đối với anh. Theo đó, tổng cộng số tiền công ty phải trả anh là hơn 125 triệu đồng. Trong đó, tiền lương đơn vị nợ là hơn 121 triệu đồng; tiền phép năm 2015 là hơn 1,8 triệu đồng; tiền phép năm 2016 là gần 1,9 triệu đồng.

Bảng kê cũng nêu ra kế hoạch lộ trình trả lương cụ thể: Trước ngày 31.12.2023 chi trả tiền lương tháng 8.2019 và tháng 2.2020; trước ngày 5.2.2024 chi trả tiền lương tháng 3-4.2020; trước ngày 30.4.2024 chi trả tiền lương tháng 9.2020, tháng 1.2021; trước ngày 31.7.2024 chi trả tiền lương tháng 2 và tháng 4.2021; trước ngày 30.9.2024 chi trả tiền lương tháng 7 và tháng 12.2021; trước ngày 31.12.2024 chi trả tiền lương tháng 2.2022 và tiền phép năm 2015, 2016.

Trao đổi với phóng viên vào ngày 19.11, anh Thắng bày tỏ mong muốn đơn vị thực hiện đúng lộ trình chi trả như cam kết để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

“Số tiền đó đối với tôi là rất lớn. Việc chậm trả lương sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cả gia đình tôi, nhất là dịp Tết” - anh Thắng chia sẻ.

Đối với quyền lợi bảo hiểm xã hội (BHXH), anh Thắng cho hay, đơn vị mới đóng cho anh đến tháng 12.2016 (trong khi anh và công ty thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 8.2022).

Như vậy, anh bị công ty nợ đóng BHXH từ 2017 đến khi anh chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện anh Thắng đã đi làm ở đơn vị khác, được đóng BHXH nhưng chưa thể “nối” vào quãng thời gian đóng BHXH trước đây.

“Về vấn đề BHXH, đơn vị xin chậm nộp vài năm để họ thu xếp trả lương trước. Tôi đã đồng ý về đề nghị này” - anh Thắng cho biết.

Một trường hợp khác cũng bị nợ lương mà Báo Lao Động đã phản ánh đó là chị Lê Thị Toàn. Về trường hợp này, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Tám - Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí lắp máy Sông Đà - khẳng định, từ thời điểm chị Toàn nghỉ (tháng 6.2021) đơn vị đã trả cho chị 6 tháng lương.

Tuy nhiên, phản hồi với phóng viên, chị Toàn lại khẳng định đây là trả cho những người đang làm việc, còn chị chưa được trả. Khi phóng viên đề nghị đại diện công ty cung cấp chứng từ chi để chứng minh việc trả lương cho chị Toàn, ông Tám cho biết, chứng từ chi là bảng chi cho cả đơn vị với rất nhiều người nên không tiện cung cấp ra bên ngoài.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí lắp máy Sông Đà cho biết thêm, ông đã cho người gọi điện mời chị Toàn lên đơn vị để đối chiếu thông tin cũng như kế hoạch trả lương, nhưng chị Toàn nói bận và không lên.

Trao đổi với phóng viên, chị Toàn vẫn khẳng định chị chưa được trả tổng số tiền lương 8 tháng là hơn 40,5 triệu đồng, cũng như tiền phép năm và tiền cổ tức. Chị xác nhận ngày 17.11 có người của đơn vị gọi cho chị. Chị Toàn cho hay, đã ủy quyền cho luật sư để tiến hành các thủ tục đòi tiền lương và một số khoản khác đang bị nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn