MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tòa nhà trụ sở Báo Lao Động. Ảnh: Tô Thế

Lao Động - dấu ấn lâu dài trong lòng bạn đọc

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) LDO | 13/08/2021 20:27
Trên măngsét trang 1 số báo đầu tiên của Lao Động ra ngày 14.8.1929, có hai khuôn chữ, bên trái: "Anh chị em lao động muốn giải phóng phải tự mình làm lấy"; bên phải: "Hỡi các anh em thợ thuyền muốn đòi lại lợi quyền, mình phải vào Công hội". Ngay từ đầu, tờ báo Lao Động đã khẳng định sự ra đời của mình là nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của phong trào công nhân, lao động và tổ chức Công đoàn cách mạng.

"Trách nhiệm của tờ báo rất lớn và quan trọng nên cần phải hết sức cân nhắc, chọn lọc các thông tin có ích cho cuộc sống, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ phóng viên cần làm tốt hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình trước công luận, phục vụ lợi ích của giai cấp, của xã hội và sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo".

Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Truyền thống đó đã được giữ vững và phát huy suốt 92 năm qua, bởi nhiều thế hệ làm Báo Lao Động gắn bó với Lao Động, góp phần xứng đáng vào hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và giờ đây là góp phần đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cũng từ đó tờ báo tranh thủ được lòng tin yêu của bạn đọc công nhân, lao động.

1. Là một trong những tờ báo cách mạng quan trọng nhất, lâu đời nhất, Báo Lao Động trước hết nhận được sự chăm sóc của những "độc giả" đặc biệt, đó là các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua những chặng đường cách mạng.

Nhân dịp đón Xuân Nhâm Thân 1992, khi trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động, Tổng Bí thư Đỗ Mười có nói:

"Tôi hoan nghênh Báo Lao Động đã từng bước đổi mới cả về hình thức và nội dung, nâng cao chất lượng thông tin, phấn đấu thực hiện tốt chức năng là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng trong giai cấp công nhân, là diễn đàn phản ánh ý chí, nguyện vọng của công nhân và lao động nước ta quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tôi chúc Báo Lao Động có nhiều tiến bộ mới, khẩn trương chuẩn bị ra báo hàng ngày làm cho báo gắn bó ngày càng mật thiết với bạn đọc trong cả nước". (Báo Lao Động, số Xuân Nhâm Thân 1992).

Ngày 5.1.1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư chúc Tết Báo Lao Động, trong đó có ý kiến chỉ đạo quan trọng:

"Những năm qua, Báo Lao Động đã cố gắng vượt lên, vượt qua những thử thách, khó khăn, đang đi vào ổn định và phát triển. Báo là cơ quan ngôn luận, thể hiện tâm tư nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tới giai cấp công nhân và toàn xã hội. Trách nhiệm của tờ báo rất lớn và quan trọng nên cần phải hết sức cân nhắc, chọn lọc các thông tin có ích cho cuộc sống, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ phóng viên cần làm tốt hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình trước công luận, phục vụ lợi ích của giai cấp, của xã hội và sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo".

Một hoạt động xã hội có tiếng vang của Báo Lao Động là lập Quỹ Tấm lòng vàng cũng đã được biểu dương của Chủ tịch Nước Trần Đức Lương trong thư khen ngày 23.9.1998.

Thư khen có đoạn viết:

"Được biết Báo Lao Động, cơ quan Trung ương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập Quỹ Tấm lòng vàng làm cầu nối giúp đỡ các địa phương, những gia đình, những cá nhân gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh Báo Lao Động, Quỹ Tấm lòng vàng về sáng kiến làm công tác xã hội này của báo.

Hai năm qua, Quỹ Tấm lòng vàng đã làm được nhiều việc góp phần tăng thêm tình đoàn kết tương thân, tương ái giữa các vùng, cộng đồng dân cư trong cả nước. Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi hoạt động xã hội có nhiều ý nghĩa này của Báo Lao Động".

2. Tất cả các vị Chủ tịch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam qua các giai đoạn, có thể nói, đều theo dõi sát sao tờ báo quý mến của tổ chức mình.

Nhưng có lẽ, đồng chí Nguyễn Văn Tư là người có nhiều duyên nợ với tờ Lao Động nhất. Điều dễ hiểu là nhiệm kỳ của đồng chí trùng khít với quá trình đổi mới của tờ báo.

Trong bài nói được đặt tên là "Lịch sử Báo Lao Động gắn liền với lịch sử giai cấp công nhân", phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Tư nhân kỷ niệm 65 năm Báo Lao Động, có đoạn:

"Phong trào công nhân, lao động, và trí thức trong các hoạt động Công đoàn để thực hiện được các nội dung trên sẽ cung cấp cho Báo Lao Động nhiều đề tài phong phú. Báo Lao Động là tờ báo phát đi những tin sớm nhất về cuộc đấu tranh mới này, phải kịp thời phản hồi những cản ngại, vướng mắc, chỉ ra các biện pháp khơi dậy động lực trực tiếp, động lực sâu xa đối với người lao động trên con đường đi đến mục tiêu chung.

Sự nghiệp đổi mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cuộc sống của chúng ta phát triển rất nhanh. Trong khi cái tốt đẹp, cái tích cực nảy nở mạnh mẽ thì cái xấu, cái tiêu cực hãy còn nhiều và có lúc nghiêm trọng. Báo Lao Động trong lịch sử của mình đã có những mục cổ vũ phong trào tiên phong cách mạng rất tốt như mục "Dân tộc anh hùng - Giai cấp tiên phong".

Những năm gần đây, Báo Lao Động được bạn đọc đánh giá là một trong những tờ báo đấu tranh chống tiêu cực mạnh mẽ và có hiệu quả. Tuy nhiên, đôi khi trên các số báo việc thể hiện hai mặt tích cực và tiêu cực chưa tương xứng với thực tế cuộc sống. Cũng có bài giọng văn thiếu tính thuyết phục, xây dựng làm giảm đi tính hiệu quả. Chọn những sự việc tiêu cực lớn có tính phổ biến, dựa vào công đoàn để thu hút quần chúng tham gia, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, điều tra thật chính xác, các đồng chí sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng phê bình trên báo nhằm mục đích xây dựng để chống các hiện tượng tiêu cực" (Lao Động, số 14.8.1994).

3. Thời kỳ đổi mới đất nước, cũng là cánh cửa mở ra sự đổi mới của báo chí, trong đó Lao Động là hiện tượng nổi bật.

Giới báo chí từ lâu cũng dành cho Báo Lao Động một tình cảm sâu sắc và lòng yêu mến.

Chỉ xin nhắc lại ý kiến của nhà báo Trần Công Mân, trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động nhân ngày 21.6.1989, khi đó là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo. Được hỏi về "Nhận xét, đánh giá Báo Lao Động gần đây", ông đã trả lời:

"Báo Lao Động thời gian gần đây có khởi sắc. Nổi bật là các bài đấu tranh chống tiêu cực. Nếu tôi không nhầm thì Báo Lao Động là một trong những báo có công đi tiên phong trong lĩnh vực này. Mặc dù còn một vài chi tiết chưa chính xác nhưng các bài báo phản ánh đúng sự thật. Đúng về cơ bản, phân tích có lý, có tình. Đó là điều rất đáng quý. Và cũng cần nói thêm là Báo Lao Động chống tiêu cực có hiệu quả. Những vụ việc báo nêu ra, sau một thời gian, tất nhiên là có đấu tranh rất công phu và gian khổ, đã được xử lý và giải quyết đúng đắn".

Báo Lao Động luôn có một đội ngũ cộng tác viên rất hùng hậu, danh tiếng và lâu năm gắn bó gồm các giáo sư, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, nhà sử học, các nhà nghiên cứu về khoa học tự nhiên, các nhà ngoại giao và quan chức Nhà nước.v.v... Không những thế, Lao Động có một loạt cây bút chủ lực, có phong cách rõ rệt. Ở họ, như một dàn đồng ca, hòa quyện trong bản hợp xướng quốc gia - dân tộc. Chất văn chương của Lao Động của các "sĩ phu Bắc Hà" nay đã hòa quyện với luồng văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa Huế - miền Trung da diết, khúc chiết, để tạo nên những phong cách báo chí tiêu biểu cho Lao Động hôm nay.

Ngày nay, phần lớn bạn đọc "sành báo" đều ghi nhận Lao Động là một trong những tờ báo có tính cách hiện đại, in đẹp, có "gu" và hấp dẫn bởi "lối đá dọc biên" đầy bản lĩnh!

Hiện nay thì sự khen chê của bạn đọc cũng "hiện đại" hơn, tin cậy hơn bởi các cuộc điều tra xã hội học như chính Lao Động đã làm nhiều lần.

(Nguồn: "90 năm Báo Lao Động 1929 - 2019", NXB Lao Động).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn