MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động trở về Tây Nguyên từ các tỉnh thành khu vực phía Nam khó tìm kiếm công việc ổn định. Ảnh: Thanh Tuấn

Lao động hồi hương khó tìm được việc làm tại quê nhà

Nhóm PV Tây Nguyên LDO | 04/10/2021 10:48
Gia Lai và Đắk Lắk là những địa phương có số lượng lao động hồi hương nhiều nhất từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chính quyền hai địa phương này vẫn đang gặp nhiều khó khăn giải quyết nhu cầu việc làm cho họ...

Lao động thất nghiệp ở địa phương tăng cao, nhưng doanh nghiệp vẫn “đỏ mắt” tìm người

Gia Lai đang hiện có khoảng 17.000 lao động hồi hương từ các tỉnh, thành phía Nam sau đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua. Ngoài ra, trung bình hằng năm, địa phương này còn có hơn 1.000 lao động xuất khẩu trở về từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc… Họ đang gặp nhiều khó khăn để tìm việc làm trên quê hương mình.

Vợ chồng anh Rơ Lan Tơm (SN 2001) và chị Rcơm Ruên (SN 2003, huyện Ia Grai) cùng làm công nhân ở một công ty dệt may tại TPHCM vừa trở về quê nhà Gia Lai. Dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản kiểm soát, hoạt động sản xuất trong trạng thái bình thường mới nhưng cả hai người đều khó tìm kiếm được việc làm. Anh Rơ Lan Tơm đi tìm kiếm công việc hơn 2 tháng qua nhưng chưa có nơi nào nhận.

“Tiền tiết kiệm cạn dần, trong khi tôi phải lo miếng ăn hằng ngày cho gia đình. Tôi chỉ mong các nhà máy ở miền Nam hoạt động trở lại trong vùng xanh để vào làm việc” - anh Tơm nói.

Chị Puih Bia (21 tuổi, xã Ia Kênh, TP.Pleiku) - tâm sự: “Tôi làm đơn xin việc lại tại các công ty caosu ở huyện Chư Prông, tuy nhiên giám đốc các nông trường đang hứa hẹn và bảo chờ thời gian dịch bệnh ổn định mới có quyết định tuyển dụng. Mình rời bỏ công ty trước đó nên khi quay trở lại rất khó để người ta chấp nhận”.

Thông qua bạn bè, người quen, Puih Bia đang xin đi rải thảm nhựa, uốn sắt thép cho các công trình giao thông, mỗi ngày kiếm được 150.000 đến 200.000 đồng, công việc không ổn định. Hiện, vùng Tây Nguyên đang mùa mưa, nhà thầu chỉ làm cầm chừng và ưu tiên cho nhân công đã gắn bó lâu năm.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Gia Lai thông tin, công nhân hồi hương ở các huyện thời gian qua bị hạn chế đi lại để tìm việc. Nhiều lao động bị ảnh hưởng, chấn động tinh thần sau khi cách ly y tế nên muốn ở nhà để nghỉ ngơi; số khác có nguyện vọng tìm việc làm mới tại quê nhà. Tuy nhiên, tại Trung tâm giới thiệu việc làm, doanh nghiệp địa phương chỉ đang cần khoảng 200 đến 300 người nhưng đòi hỏi có trình độ chuyên môn, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, ít có nhu cầu tuyển lao động tự do. 

Nhiều công nhân đang mong chờ các nhà máy, xí nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM sớm mở cửa trở lại để họ trở vào làm. Thực tế, bình quân mức lương công nhân ở các tỉnh miền Nam chi trả cao hơn so với DN ở địa bàn tỉnh Gia Lai. Vì thế, khi dịch bệnh cơ bản kiểm soát được, nhiều công nhân sẽ sớm trở lại miền Nam, nhất là với bộ phận làm việc ở trong công xưởng nhà máy, có hợp đồng làm việc, được đào tạo nghề.

Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Đắk Lắk thông tin, tính từ đầu năm đến nay, địa phương đã có hơn 5.500 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (riêng tháng 8 đã có 474 người). Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 8 giảm gần 27% người so với tháng trước. Trong đó, số người làm việc ở địa phương khác chuyển về là 210 người, chiếm 44,3% trên tổng số hồ sơ.

Tháng 7 và 8, có hơn 80.000 công dân đang tạm trú, làm việc ở các tỉnh khu vực phía Nam vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã trở về quê nhà tại Đắk Lắk. Một lượng lớn người trong số đó ở trong độ tuổi lao động, thất nghiệp ở nhà. Nghịch lý là, dù lao động thất nghiệp ở địa phương tăng cao nhưng doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk vẫn đang “đỏ mắt” tìm người. Nhiều đơn vị thông báo tuyển nhân sự ở khắp các kênh thông tin suốt một thời gian dài vẫn không thấy người nộp hồ sơ xin vào làm. 

Chưa có giải pháp căn cơ

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc Sở LĐTBXH Đắk Lắk: “Tỉnh đã chỉ đạo việc giải quyết việc làm cho lao động hồi hương. Đơn vị vẫn đang xây dựng đề án nhưng để thống kê hết được số lao động từ các tỉnh, thành phía Nam về Đắk Lắk là bao nhiêu, từng người ở lĩnh vực nào, nam hay nữ và độ tuổi bao nhiêu là rất vất vả”.

UBND tỉnh Gia Lai sẽ kêu gọi chủ đầu tư dự án đầu tư công ưu tiên tuyển dụng lao động thất nghiệp tại chỗ vào làm. Ngoài ra, Sở LĐTBXH tỉnh tham mưu, đề xuất việc xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn để người lao động được ra nước ngoài làm việc. Tỉnh cũng sẽ có cơ chế hỗ trợ vay vốn để người lao động hồi hương tự kinh doanh, sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Gia Lai - cho hay, tổng số công nhân lao động tại nhà máy trong khu công nghiệp dao động từ 2.100 đến 2.200. Hiện, nay các nhà máy, xí nghiệp đang cắt giảm công suất giờ làm. Chủ doanh nghiệp vẫn cố gắng hết sức để giữ việc làm cho công nhân và đảm bảo tiền lương tối thiểu. Vì vậy, ít có nơi nào tuyển dụng thêm lao động mới từ bên ngoài vào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn