MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động hồi hương ở Đắk Lắk chật vật xoay tiền đóng học phí cho con

BẢO TRUNG LDO | 29/09/2021 14:39

Nhiều người lao động tạm trú, làm việc ở các tỉnh khu vực phía Nam vừa hồi hương, về quê nhà ở Đắk Lắk đang phải chật vật, xoay sở tiền bạc để đóng các khoản phí đầu năm cho con em mình.

Chất chồng khó khăn

Chị L.T. (TP.Buôn Ma Thuột) tâm sự: "Suốt từ đầu năm đến nay, tôi thất nghiệp ở nhà, thành phố thì liên tục giãn cách xã hội nhiều đợt theo Chỉ thị 16, tìm mãi chẳng có việc làm. Lương chồng kiếm được cũng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Tôi đang có hai đứa con nhỏ cấp tiểu học, phải cố gắng dành dụm để đóng những khoản thu đầu năm cho các cháu, nhẩm tính cũng 6 đến 7 triệu đồng. Dù trường chưa công bố các khoản thu, nhưng tôi chỉ sợ có các chi phí phát sinh thêm lại phải đi vay mượn đóng cho đủ".

Tại Đắk Lắk, đang nhiều lao động vừa hồi hương từ các tỉnh phía Nam thất nghiệp, chưa tìm được việc làm mới. Họ còn phải xoay sở nhiều bề để mua sắm thiết bị học trực tuyến cho con em hay dành dụm, chắt góp từng đồng để đóng các khoản phí đầu năm.

Giáo viên vùng sâu, vùng xa ở Đắk Lắk đến nhà học sinh giao bài tập trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: B.T

Anh H.V.T. (huyện Cư M'Gar) cho biết: "Cả gia đình 4 người vừa từ Đồng Nai trở về. Tôi và vợ đang thất nghiệp, nuôi 2 đứa con dại. Trong đó, có một đứa đang học tiểu học. Hồ sơ, học bạ của cháu còn ở dưới Đồng Nai, chưa đem về được. May, phía trường ở quê vẫn nhận cháu vào học.

Dù trường chưa công bố các khoản thu nhưng cả hai vợ chồng đang phải chủ động cắt bớt chi tiêu, khi cần là đóng cho cháu ngay". 

Một người lao động thất nghiệp ở Đắk Lắk ở nhà dạy con học bài. Ảnh: B.T

Hay như trường hợp gia đình chị H.B.A. (xã Cư M’Gar, huyện Cư M’Gar) có hai đứa con học lớp 7 và lớp 2 không có thiết bị kết nối mạng internet để học trực tuyến. Cháu lớp 7 phải sang nhà bạn cùng lớp để “học ké”. Còn riêng đứa lớp 2 học theo hình thức giao bài tại nhà.

“Gia đình phải đi làm nương, rẫy nên việc kèm cháu lớp 2 học bài chỉ tranh thủ lúc buổi tối, chỉ sợ con không theo kịp chương trình học. Tôi cũng cố gắng hết sức để hỗ trợ cháu và mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để các cháu có thể đến trường học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn”, chị H.B.A nói.

Ngăn chặn việc lạm thu

UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu ngành giáo dục tiến hành rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí. Các trường có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Đắk Lắk - cho hay, đơn vị đã yêu cầu các trường trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các hướng dẫn các khoản thu đầu năm học, tránh việc lạm thu. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm thì người đứng đầu nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm.

Theo đó, các cơ sở giáo dục các cấp ở tỉnh phải công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu phí cụ thể cho từng năm học.

Nhà trường không được tự ý đặt ra thêm những khoản thu nào khác và phải tổ chức quán triệt, phổ biến công khai nội dung các khoản thu theo quy định tới tất cả giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.

"Đặc biệt, riêng với con em lao động hồi hương từ các tỉnh khu vực phía Nam, các nhà trường chưa vội thu các khoản đầu năm phải tạo và điều kiện tối đa cho các cháu đến trường. Đối với những trường hợp quá khó khăn, thì nhà trường phải giãn các khoản ra, không thu liền một đợt. Nếu phát hiện trường nào vội truy thu bất hợp lý thì phụ huynh có thể trực tiếp phản ánh với sở để đơn vị có hướng xử lý", ông Khoa cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn