MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉ lệ người lao động sắp bị chấm dứt hợp đồng ở một số doanh nghiệp tại TPHCM do giảm đơn hàng. Biểu đồ ANH THƯ

Lao động mất việc, thiếu việc ở nhiều địa phương: Giải pháp nào phục hồi thị trường lao động?

ANH THƯ LDO | 29/11/2022 08:46

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào và bị giảm đơn hàng, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Từ đó, dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người lao động. Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đưa ra những giải pháp phục hồi thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Lao động mất việc tập trung nhiều ở khu vực phía Nam

Theo báo cáo về tình hình thị trường lao động 11 tháng đầu năm 2022, Cục Việc làm cho biết, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động là 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, tăng 12,4%, tương ứng tăng 727.000 đồng.

Song, thời gian gần đây, Cục Việc làm cho biết, tình hình việc làm của người lao động bị ảnh hưởng ở nhiều địa phương. Cụ thể tại TPHCM, đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc (chiếm gần 1/5 lao động). Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm. Trong tháng 10, thành phố đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.000 người.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, qua khảo sát các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa thì đa số các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 300 lao động hiện tại vẫn ổn định không có tình trạng cắt giảm lao động.

Tại một số doanh nghiệp lớn trong các ngành gỗ, dệt may, da giày có tình trạng giảm đơn hàng và hàng hóa không xuất đi được dẫn đến các doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, giảm cả ngày làm việc thứ 7 hoặc hoạt động cầm chừng. Cục Việc làm cho biết, chính vì vậy, thu nhập của lao động bị giảm sút, ảnh hưởng đến cuộc sống. Vì vậy, có một phần không nhỏ lao động tự xin nghỉ việc vì không đủ trang trải cuộc sống. Một số doanh nghiệp khác lại bắt buộc phải cắt giảm lao động lên đến 30%. Nhiều doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động hết hạn hợp đồng, vì hiện tại đơn hàng cho năm 2023 doanh nghiệp vẫn bỏ ngỏ.

5 tháng qua, tỉnh Đồng Nai có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn là các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ như Công ty TNHH gỗ Lee Fu; Công ty TNHH Timber và một số doanh nghiệp ngành da giày.

Hỗ trợ cho người lao động

Để ngăn ngừa thất nghiệp, phục hồi thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, Cục Việc làm yêu cầu rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ...) để có phương án tổ chức kết nối cung - cầu lao động. Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm...

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng yêu cầu hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tốt để kịp thời hỗ trợ người lao động bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Cục Việc làm cũng yêu cầu bố trí nguồn lực để đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỉ đồng để thực hiện ngay trong năm 2022, đưa tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỉ đồng.

Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, tìm nguồn để tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Chuyển nguồn kinh phí còn dư của các chính sách đã cơ bản kết thúc trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sang cho vay giải quyết việc làm như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (khoảng 2.800 tỉ đồng), chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn