MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sống trong nhà chật chội, nóng nực và đời sống thay đổi chóng mặt là những gì công nhân tại tỉnh miền núi Hòa Bình đang phải gánh chịu do cơn bão giá. Ảnh: Trần Trọng.

Lao động miền núi quay cuồng vì bão giá

Trần Trọng LDO | 01/07/2022 09:02

Hòa Bình - Giá xăng liên tục lên cao kỷ lục, kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng đua nhau tăng, khiến người lao động tỉnh miền núi Hòa Bình lao đao vì cơn bão giá.

Đại dịch COVID-19 vừa tạm lắng xuống chưa được bao lâu, cơn bão giá đã ập tới, giá xăng liên tục tăng cao kỷ lục. Theo đó, giá các mặt hàng tiêu dùng cũng đua nhau leo thang, khiến đời sống công nhân, người lao động phải lo lắng, đau đầu trong việc cân đối thu chi.

Ngày 30.6, PV Báo Lao Động có mặt tại Khu công nghiệp bờ trái sông Đà, TP.Hòa Bình, theo ghi nhận cuộc sống của người lao động nơi đây bị đảo lộn hoạt toàn, nhiều thay đổi bắt buộc để thích nghi với cơn bão giá.

Chia sẻ với PV, chị Bùi Thị Nhiệt (39 tuổi, quê ở xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) nói: "Thời điểm năm 2021, với thu nhập là 6 triệu, tôi có thể để ra khoảng 3 triệu để gửi về quê cho con ăn học. Nhưng nay giá cả leo thang, trừ hết chi phí tiền nhà trọ, ăn uống và sinh hoạt thì tiết kiệm lắm cũng chỉ còn 1 triệu đồng".

Các phòng trọ nhỏ, chi phí thấp là lựa chọn của nhiều người lao động trong thời gian gần đây.

Vật giá tăng cao, thực phẩm cũng không ngoại lệ. Trước đây, một mâm cơm đủ cho 2 người ăn chỉ tốn khoảng 40 - 50 nghìn đồng, nhưng nay con số ấy tăng lên gấp rưỡi. 

Bởi lẽ trước khi cơn bão giá xuất hiện, bó rau muống thường chỉ tầm 4 - 5 nghìn đồng, còn giờ đây khi ra chợ thật hiếm để mua được với giá dưới 10 nghìn đồng. Thịt lợn cũng vậy, nay đã giá trên 150 nghìn đồng/kg (tùy từng loại thịt) trong khi trước đây giá chỉ khoảng 1/3.

Chị Nhiệt than thở: "Có lẽ đây là những ngày khó khăn nhất khi giá cả tăng chóng mặt, lương không đủ chi tiêu". 

Bữa ăn ngày càng giảm chất lượng, giá cả thực phẩm tăng cao khiến chị Nhiệt phải cắt giảm tối đa chi phí trong cơn bão giá. 

Cũng từ đó, các khu trọ với chi phí thấp được nhiều người lao động săn đón. Tại các điểm dân cư, theo ghi nhận các khu trọ với phòng có diện tích khoảng 12m2 giá từ 500 - 700 nghìn đồng/tháng thời gian gần đây đông lạ thường.

Cùng nơi trọ, chị Bùi Thị Giang (35 tuổi, quê ở xã Đông Lai, huyện Tân Lạc) cùng lên thành phố để có cơ hội việc làm tốt hơn. Tuy nhiên, việc nuôi con nhỏ dẫn đến có nhiều khoản bắt buộc phải chi tiêu, giá cả leo thang làm chị không rất lo lắng.

Chị Giang cho biết: "Tiền mua bỉm sữa cho con cũng tăng cao chóng mặt, mỗi lần đi mua bỉm sữa, tôi chỉ tốn khoảng 450 nghìn đồng mà chỉ đủ dùng trong vòng 1 tuần, giờ con số lên đến 700 nghìn đồng".

Việc thắt chặt chi tiêu là điều không thể tránh khỏi. Nhiều gia đình vì không chịu được nóng nên đành bỏ tiền lắp điều hòa. Tuy nhiên, giá điện tại các xóm trọ cao (trung bình từ 2.500 - 3.000 đồng/kwh) con số trong hóa đơn điện nhảy vọt khiến cho người dùng không khỏi phân vân việc bật, tắt điều hòa.

Nhiều người lao động đã chọn xe điện dùng làm phương tiện để di chuyển.

Anh Nguyễn Văn Nam (33 tuổi, quê ở huyện Đà Bắc) ở cùng vợ và con tại nơi gần khu công nghiệp, quãng đường đi làm của anh dài 25 km nên cảm nhận rõ tác động từ việc giá xăng tăng ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

"Khi giá xăng chưa tăng cao, trong 1 tuần, tôi chỉ tốn Khoảng 120 nghìn đồng, nhưng nay phải trên 200 nghìn đồng mới đủ. Tuy so tiền ấy với thu nhập thì không cao nhưng việc thay đổi cho phí sinh hoạt khiến cuộc sống của gia đình tôi cũng lao đao theo", ông Nam nói.

Có thể thấy, việc giá cả tăng cao, giá xăng dầu liên tục “lập đỉnh” kỷ lục, kéo theo chất lượng sống của người dân giảm xuống, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp và trung bình. Cùng với yếu tố thời tiết nắng nóng lại càng khiến cho người dân "ngập sau" trong cơn bão giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn