MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk tư vấn cho người lao động đang nhận bảo hiểm thất nghiệp học nghề. Ảnh: Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk

Lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề còn thấp

Bảo Trung LDO | 06/06/2023 08:55

Tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã thực hiện tư vấn học nghề, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, công tác hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ cho lao động thất nghiệp cần đúng người, đúng việc, phù hợp với chuyên môn, khả năng của NLĐ...

Hàng trăm lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp/ngày

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk: Trong tháng 5.2023, đơn vị đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp và các chế độ chính sách cho 3.479 lượt người. Đơn vị giới thiệu việc làm cho 501 lượt người và số người có việc làm sau khi giới thiệu là 200 người.

Hiện, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, mỗi ngày có hàng trăm lao động đến nộp hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ, người lao động được nhân viên tư vấn về việc làm và giới thiệu việc làm, đồng thời tư vấn về học nghề cho họ. Từ những thông tin được cung cấp và tư vấn, nhiều người lao động đã lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để học nghề chuyển đổi việc làm hoặc từ kết quả học nghề đã tăng thêm thu nhập cho bản thân (như nghề nấu ăn, lái xe, trang điểm…).

Cũng theo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng kí học nghề có chiều hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2021 có 195 người được hỗ trợ học nghề, tới năm 2022 số người được hỗ trợ tăng lên 398 người và trong quý I năm 2023 đã có 53 lao động được hỗ trợ học nghề.

Chị L.T.O. (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar) - chia sẻ: “Thất nghiệp từ TPHCM về quê nhà sống dựa vào gia đình đã hơn 3 tháng, tôi đang muốn tìm cho mình một công việc phù hợp với bản thân, có thể là may mặc hoặc trang điểm... Tuy nhiên, tôi vẫn đang cân nhắc thật kĩ khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh nhờ tư vấn. Bởi lẽ, chỉ khi mình học đúng nghề yêu thích, có đam mê và thị trường đang cần người thì mới lâu dài được nếu không cũng bỏ ngang giữa chừng, rất mất thời gian, công sức”.

Số lao động được hỗ trợ học nghề còn thấp

Đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk cho rằng, số lao động được hỗ trợ học nghề vẫn còn thấp so với số đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng, các ngành nghề đào tạo vẫn chủ yếu lái xe, trang điểm… Để người lao động được hưởng đầy đủ chế độ chính sách trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định cũng như có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp để chuyển đổi việc làm, tăng thêm thu nhập, đơn vị thường xuyên liên hệ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh có chức năng đào tạo các ngành, nhất những nghề mới để giới thiệu cho họ biết tham gia học nghề, đúng với sở trường, đam mê bản thân.

Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) đưa ra lời khuyên: “Không chỉ hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống trước mắt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ học nghề, giúp người lao động chuyển đổi nghề, sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, người lao động cần có sự tính toán kĩ lưỡng, phân tích kĩ nhu cầu việc làm của thị trường để đưa ra quyết định chọn học nghề nào cho phù hợp. Bởi lẽ, thay vì học ngành nghề bản thân yêu thích nhưng khó tìm được việc ngay thì người lao động có thể chọn những nghề thị trường đang cần người để giải quyết tình trạng thất nghiệp trước mắt, có thêm thu nhập”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn