MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ở Đắk Lắk đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh xếp hàng làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Bảo Trung

Lao động thất nghiệp tăng, nhưng doanh nghiệp Đắk Lắk vẫn tuyển không ra

BẢO TRUNG LDO | 27/09/2021 16:35

Tại Đắk Lắk đang có thực trạng lao động thất nghiệp gia tăng, nhưng rồi nhiều doanh nghiệp vẫn không tìm ra công nhân để duy trì hoạt động sản xuất trong mùa dịch COVID-19.

Thất nghiệp ở mức cao

Theo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có hơn 5.500 người  nạp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (riêng tháng 8 đã có 474 người). Số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 8 giảm gần 27% người so với tháng trước. Trong đó, số người làm việc ở địa phương khác chuyển về là 210 người, chiếm 44,3% trên tổng số hồ sơ.

Tháng 7 và 8, có hơn 80.000 công dân đang tạm trú, làm việc ở các tỉnh khu vực phía Nam vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã trở về quê nhà tại Đắk Lắk. Một lượng lớn người trong số đó ở trong độ tuổi lao động, đang thất nghiệp ở nhà.

Đang có một lượng lớn lao động trở về Đắk Lắk từ các tỉnh thành khu vực phía Nam thất nghiệp. Ảnh: Bảo Trung

Anh Y.G.N.K (huyện Krông Ana) cho hay: "Trước đây, tôi làm việc cho một doanh nghiệp may mặc ở Tây Ninh nhưng do dịch bệnh COVID-19 phải trở về Đắk Lắk mưu sinh. Hiện, tôi đang làm việc thời vụ, ai thuê gì làm nấy, thu nhập không ổn định. Mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ là kiếm được một công việc ổn định ở đây, không muốn trở lại miền Nam nữa".

Trở về Đắk Lắk từ Đồng Nai hơn 1 tháng qua, anh Huỳnh Khắc Hồ (huyện Krông Ana) năm nay mới 19 tuổi, dù đã đi hỏi han nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp, phải sống bám bố mẹ. Mong muốn duy nhất của anh Hồ lúc này là được tiêm vaccine COVID-19, tìm kiếm được một việc làm phổ thông, bất cứ ngành nghề gì cũng chấp nhận, miễn sao ổn định lâu dài ở quê nhà.

Thực tế, có một lượng lớn lao động từ các tỉnh phía Nam trở về Đắk Lắk đang mong muốn có được một công việc ổn định, lâu dài ở quê chứ không muốn phiêu bạt, nay đây mai đó ở xứ người. Dịch bệnh COVID-19, bùng phát đã làm họ xích lại, gắn kết, trân quý gia đình và quê hương hơn.

Doanh nghiệp vẫn thiếu hụt lao động

Dù lao động thất nghiệp ở địa phương tăng cao nhưng doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk vẫn đang "đỏ mắt" tìm người. Nhiều đơn vị thông báo tuyển nhân sự ở khắp các kênh thông tin suốt một thời gian dài vẫn không thấy người "đầu quân". 

Toàn tỉnh Đắk Lắk đang có 1 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp với hơn 6.000 công nhân. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đơn vị cần một lượng lớn công nhân làm việc ngay trong mùa dịch. Đơn cử, có công ty sản xuất bao bì đang cần hơn 2.000 công nhân làm việc hay một doanh nghiệp giày da cũng "trông ngóng" tuyển dụng hàng trăm người với mức lương hấp dẫn.

Ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Người lao động đang không biết nộp hồ sơ, tìm việc ở đâu, doanh nghiệp thì chẳng rõ kênh thông tin nào phù hợp để tuyển nhân sự. Một đơn vị hành chính Nhà nước vì nhiều lý do khác nhau rất khó kết nối trong vấn đề này. Ví như, có doanh nghiệp, tuyển lao động phổ thông, một ngày trả cho công nhân từ 200.000 đến 250.000 đồng, mỗi tháng 6 đến 8 triệu đồng nhưng gọi mãi chẳng có ai đi làm.

Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền hoặc ít nhất phải có tổ chức nào đó (dịch vụ) đứng ra kết nối hai bên một cách hiệu quả, rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp ở Hội đang kiếm lao động không ra, chúng tôi cũng đang tính tổ chức một ngày hội tìm việc làm để tuyển thêm nhân sự".

"Tôi có đề xuất với một lãnh đạo UBND xã yêu cầu xã Đoàn đứng ra khảo sát những người trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc ở địa bàn. Doanh nghiệp sẵng sàng hỗ trợ tiền xăng, điện thoại để họ làm việc này. Sau đó, họ chỉ cần lập danh sách lao động đầy đủ, khi chúng tôi cần người thì liên hệ ngay để gọi đi làm", ông Thanh cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn