MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhà trọ giảm nguồn thu vì công nhân thất nghiệp về quê. Ảnh: Đình Trọng

Lao động thất nghiệp về quê: Chủ trọ giảm nguồn thu, người buôn bán nhỏ ế ẩm

Đình Trọng LDO | 01/08/2023 10:59

Tại Bình Dương, công nhân thất nghiệp về quê, những dãy nhà trọ trống trơn. Khó khăn không chỉ riêng với người lao động mà cả chủ kinh doanh nhà trọ bị giảm nguồn thu, người bán hàng tạp hóa mất khách, các loại hình kinh doanh khác cũng bị ảnh hưởng.

Cơ sở kinh doanh nhà trọ giảm nguồn thu

Thành phố Thuận An là nơi kinh tế phát triển sôi động, có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất hoạt động. Tuy nhiên, sang năm 2023 nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Tình hình tuyển dụng cũng ảm đạm hơn các năm trước. Vì thế những lao động thất nghiệp khó tìm được việc làm mới và đành phải quyết định về quê. Các chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ ở thành phố Thuận An vì thế giảm nguồn thu.

Ông Mai Văn Huyên (45 tuổi, phường An Phú, thành phố Thuận An) có 2 dãy trọ 10 phòng nhưng bị bỏ trống 4 phòng.

“Tôi có 2 dãy nhà trọ cho thuê, nhưng những tháng gần đây công nhân bị thất nghiệp khó khăn về quê nên trả phòng. Hiện có 4 phòng bỏ trống, trung bình mỗi tháng giảm thu 5 triệu đồng” - ông Huyên cho biết.

Trong khi đó, tại thành phố Thủ Dầu Một, các dãy trọ kế bên các khu công nghiệp Đại Đăng, Kim Huy, Sóng Thần 3 cũng trống nhiều phòng. Chủ trọ đặt bảng cho thuê nhưng thời điểm này rất ít công nhân lao động đến hỏi.

Tại thành phố Tân Uyên, tình trạng kinh doanh phòng trọ 2 năm nay ảm đạm. Hầu hết các nhà trọ đều bị trống từ 20-50% số phòng.

Đáng chú ý là Cư xá Hưng Lợi 1 (phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên) có 600 phòng trọ, trước đây luôn trong tình trạng cho thuê kín phòng. Tuy nhiên khoảng gần 1 năm nay, người lao động bị thất nghiệp về quê trả phòng gần nửa, khiến chủ cơ sở bị giảm nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

“Đến nay cư xá trống hơn một nửa số phòng. Công nhân lao động ở đây thì cuộc sống cũng rất khó khăn” - quản lý cư xá cho biết. Vì vậy, chủ cơ sở giảm 1/3 tiền thuê phòng, tiếp tục chấp nhận giảm thu để hỗ trợ chia sẻ một phần với người lao động. Tương tự, một cơ sở cho thuê phòng trọ khác cũng ở phường Uyên Hưng có đến 1.300 phòng trọ cũng bị trống một nửa.

Người buôn bán nhỏ cũng gặp khó khăn

Công nhân về quê cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người kinh doanh buôn bán nhỏ.

Chị Hồ Thị Kim Tiến (36 tuổi, quê An Giang) trước đây bán hàng tạp hóa và đồ ăn sáng mỗi ngày tổng thu từ 2-3 triệu đồng, nhưng nay chỉ được 100 nghìn đồng, có hôm không được đồng nào. Nguồn thu từ buôn bán phải thật tằn tiện thì mới đủ để trả tiền thuê mặt bằng.

“Trước đây công nhân đông lắm, ở kín phòng trọ. Nay doanh nghiệp không có đơn hàng, công nhân thất nghiệp về quê nên bán hàng tạp hóa cũng ế ẩm. Tiền thuê ki ốt thì cao mà mỗi ngày chỉ bán được khoảng 100.000 đồng tiền hàng, có hôm không được đồng nào. May nhờ chủ cư xá giảm bớt tiền thuê nên cũng đỡ, có thể trụ lại được” - chị Tiến chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Tuân (60 tuổi, quê Sóc Trăng), trước làm phụ hồ, sau chuyển qua đi bán vé số. Năm ngoái người lao động còn đông, mỗi ngày ông Tuân bán được khoảng 200 tờ vé số, thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Nay ít người lao động, việc bán vé số cũng ế ẩm, thu nhập giảm.

“Mỗi ngày chỉ dám lấy 120-150 vé mà phải tăng thời gian đi bán. Thu nhập cũng giảm, từ 50.000-70.000 đồng mỗi ngày. Thôi thì đành ăn uống chi tiêu bớt lại. Cố gắng bám trụ ở đây còn có thu nhập, chứ về quê không còn đồng ruộng, không biết làm gì ăn” - ông Tuân chia sẻ.

Còn anh Lê Văn Lập buôn bán hàng điện tử, điện thoại chia sẻ: “Trước đây, công nhân lao động đông, việc làm dồi dào, thu nhập cao, khi lấy lương thường đi mua điện thoại. Có người mua 2 chiếc điện thoại, 1 cái sử dụng, 1 cái gửi về quê cho người thân. Nay công nhân về quê bớt nên việc bán điện thoại, đồ điện tử cũng rơi vào cảnh ế ẩm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn