MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với những người thợ xây, điều họ mong mỏi là được thanh toán đủ tiền công chứ không dám mong đến tiền thưởng Tết. Ảnh: Khánh Linh

Lao động tự do chạnh lòng khi nghĩ về thưởng Tết

Khánh Linh LDO | 12/12/2023 18:23

Tết Nguyên đán đang đến rất gần, những lao động tự do như chạnh lòng hơn khi nhiều ngành nghề khác đều háo hức trông chờ thưởng Tết. Vào thời điểm cuối năm, họ cố gắng thức dậy sớm hơn, làm việc muộn hơn để lo cho gia đình một cái tết vẹn tròn.

Những ngày cuối năm, cứ mỗi sáng đầu tuần, vợ chồng anh Bùi Văn Yên (Kim Bôi, Hoà Bình) phải dậy từ 5h sáng, vượt qua quãng đường đèo dốc hơn 40km để đến chỗ làm.

Ngoài công việc đồng áng, khoảng thời gian còn lại trong năm vợ chồng anh lại xách ba lô đi theo những người trong làng đến các công trình để xin việc làm thêm.

Chồng làm thợ xây, vợ làm thợ phụ, đã hơn 10 năm nay, đây là nguồn thu nhập chính để nuôi 2 đứa con đang độ tuổi ăn học và phụng dưỡng bố mẹ già.

Anh Yên chia sẻ: "Đi làm thợ xây vất vả, nhưng không còn cách nào khác vì mình cũng đã hơn 40 tuổi, xin vào các công ty thì họ không nhận. Làm nghề này thì cũng tùy chủ thầu, có nơi họ trả cao, nơi trả thấp hơn, dao động từ khoảng 350.000 - 400.000 đồng/ngày công. Thợ phụ thì ít hơn, khoảng 250.000 - 300.000/ngày công. Nếu làm đều thì cũng có đồng ra đồng vào lo cho con ăn học".

Thế nhưng, theo người đàn ông này, năm nào gặp được cai thầu công trình làm ăn được thì năm ấy hai vợ chồng được thanh toán đủ công, có một cái Tết ấm no. Còn năm nào họ làm ăn kém, thì những người thợ như anh bị nợ, thậm chí bị quỵt cả tiền công. Có những năm cộng tổng hai vợ chồng bị nợ lên đến vài chục triệu đồng.

Lao động tự do cố gắng làm thêm để “tự thưởng Tết cho mình“. Ảnh: Khánh Linh

"Bây giờ đi làm không bị chủ nợ lại tiền công đã tốt lắm rồi, chứ nói gì đến thưởng Tết. Năm nào gặp được chủ tốt thì họ cho thêm vài ba trăm, coi như quà cho bọn trẻ ở nhà, vậy là phấn khởi rồi!

Đây là mình còn may mắn vì nếu năm nào họ không trả đủ thì cũng trả trước một phần. Chứ có những đám thợ đến sáng 30 Tết vẫn ngồi ở nhà của cai thầu để chờ được trả tiền về sắm Tết cho vợ con", anh Yên cười buồn.

Còn với anh Bùi Xuân Trường (Hoà Bình) đã từng là ông chủ của một quán cafe nhỏ ở phố huyện, nhưng do dịch bệnh không thể trụ vững, buộc anh phải đóng cửa và đi ra ngoài kiếm việc làm thêm.

“Khi thì làm shipper, lúc thì đi lái máy xúc, cứ làm gì có tiền trang trải cuộc sống thì làm, chẳng ngại gì cả. Nhưng sau một tai nạn, bây giờ không còn làm được việc nặng nhọc nên lại mở hàng quán nhỏ bán túc tắc qua ngày.

Cả chục năm nay tôi chưa biết đến tiền thưởng Tết là như thế nào. Bây giờ làm sao để có cái Tết tử tế cho vợ con còn đang khó" - anh Trường chia sẻ.

Làm nghề xe ôm ở trước cổng bến xe khách Hoà Bình, càng đến ngày cận Tết, tiếng thở dài của ông Nguyễn Văn Dũng (phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình) và những người hành nghề xe ôm ở đây như càng nặng nề hơn.

Sau gần 3 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, ít nhiều ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của những lao động tự do.

Lao động tự do chạnh lòng khi nghĩ về thưởng Tết. Ảnh: Minh Nguyễn

Anh Dũng thở dài: “Trước đây, khi chưa có dịch, mỗi ngày kiếm được khoảng 200-300 nghìn đồng, nhưng từ khi dịch xuất hiện, ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn. Bây giờ dịch qua đi, thu nhập vẫn chưa khá hơn là bao".

Có ngày không chạy được “cuốc” nào nhưng vẫn phải ra ngồi vì sợ “mất mối”. Là lao động chính trong gia đình, mọi sinh hoạt của gia đình trông chờ vào đồng lương ít ỏi của anh.

"Đến Tết khi họ bày bán hoa, cây cảnh ở quảng trường Hoà Bình thì may ra có thêm mối chở cây cảnh cho khách. Càng cận Tết thì càng có thêm việc, lúc đó có nhiều hôm đến 10h đêm nhưng vẫn không thấy mệt vì có thêm tiền sắm Tết. Mỗi buổi kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 đồng, khách nào họ xởi lởi thì cho thêm vài đồng uống nước" - người xe ôm cho hay.

Đối với ông Dũng và gần 20 người ở đội xe ôm này, đây được họ gọi là những món tiền "thưởng Tết" bởi cơ hội có thêm thu nhập này chỉ dịp Tết mới có.

Ước mong lớn nhất của những lao động tự do thời điểm này chính là từ giờ đến Tết, công việc đều, thu nhập ổn định để họ có một cái Tết ấm no.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn