MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không có tay nghề, LĐ nông thôn vác lúa thuê kiếm sống.

Lao động vùng nông thôn ĐBSCL ngày càng khan hiếm

HOÀNG TÂN LDO | 30/10/2017 06:29
Hiện nhiều vùng nông thôn ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ thiếu lao động (LĐ) nông nghiệp. Việc người dân vùng nông thôn bỏ quê lên phố kiếm sống thật sự trở thành một vấn đề xã hội cần sớm có giải pháp khắc phục.

Đổ xô lên thành phố

Bước vào thời điểm cải tạo đất chuẩn bị vụ lúa thu đông 2017, nhiều nơi gặp khó khăn trong việc thuê mướn LĐ. Ông Khưu Tuấn Anh - ngụ ấp 18 (xã Tân Long, TX.Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết: “Giờ thuê LĐ khó lắm! Trước đây, thuê LĐ làm đồng trả công 130.000 đồng/ngày, giờ trả 200.000 đồng/ngày, bao cả ăn uống vẫn không mướn được người; nhất là LĐ trẻ có thể làm được công việc nghề nông rất khó thuê mướn. Tới mùa vụ, nhiều người phải đi nơi khác thuê LĐ, nhưng phải trả công rất cao người ta mới chịu làm”.

Ngay những người chuyên sống bằng nghề làm thuê trên đồng ruộng nay cũng có tâm lý muốn bỏ nghề. Anh Đỗ Thành Nhân(36 tuổi - ngụ phường Thuận An (TX.Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) - bộc bạch: “Nhìn thanh niên trai tráng trong xóm lên phố đi làm công nhân, tôi cũng muốn đi. Hồi nhỏ tui học lớp một 3 năm mới lên được lớp hai, rồi nghỉ học luôn. Nếu được học hết lớp chín hay lớp mười hai, tôi cũng bỏ nghề làm thuê ở quê đi lên thành phố tìm việc làm khác...”.

Các làng nghề truyền thống cũng đang đứng trước nguy cơ... teo tóp dần do nhiều nguyên nhân; trong đó có tình trạng thiếu thợ. Chị Trần Thị Hồng Xuyên - Trưởng ban làng nghề đan lục bình tại phường Thuận An (TX.Long Mỹ) - cho biết: “Mấy năm nay việc làm ăn của làng nghề gặp nhiều khó khăn. Ngày càng có ít người bám trụ với nghề. Những hộ ít đất sản xuất, nhà đông người đều đi thành phố làm việc trong các công ty, xí nghiệp”.

 “Ly nông” liệu có giàu?

Phần lớn những người đổ xô lên thành phố tìm việc là nông dân nghèo, ít đất sản xuất, không có công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh… Họ chấp nhận xa quê để tìm cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, ước muốn này không dễ thực hiện. Gia đình ông Trương Văn Gành - ngụ ấp Long An (xã Vĩnh Tân Long, TX.Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) - có đến 6 người con đi làm ở TPHCM, nhưng cuộc sống của các con ông vẫn chật vật, khó khăn.

Ông Gành kể: “Hai vợ chồng con trai tôi đều đi làm để nuôi 2 đứa con. Dù rất cố gắng, nhưng cuộc sống gia đình nó vẫn thiếu trước hụt sau vì chi phí sinh hoạt ở thành phố rất cao". 

Những người lên thành phố làm thuê phần lớn chưa qua bất kỳ một lớp đào tạo nghề nào. Họ đi tìm việc với hai bàn tay trắng, không kinh nghiệm, thiếu kỹ năng. Tài sản và vốn liếng của họ chỉ là sức LĐ. Bởi vậy, họ luôn bị xếp vào nhóm LĐ công nhật và không ít người chẳng được hưởng các quyền, lợi ích chính đáng của người lao động (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…). 

Ông Quách Hoàng Em - Bí thư xã Tân Long (TX.Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết: “Năm qua, tại xã có hàng trăm thanh niên bỏ ruộng, lên TPHCM tìm việc làm. Tuy nhiên, chỉ có vài chục người được học nghề và giới thiệu việc làm. Số LĐ không tìm được việc đành trở về quê tiếp tục cuộc sống đã khó nay còn khổ thêm do thiếu nợ vì vay tiền để đi thành phố.

Trước thực trạng này, xã cũng có nhiều giải pháp khuyến khích, thu hút LĐ ở lại quê nhà làm việc: Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ với nguồn thu nhập ổn định; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cho nông dân ít đất sản xuất; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo và giải quyết việc làm; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tín dụng, vay vốn giải quyết việc làm… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn