MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động xa xứ ăn Tết online cho vơi nỗi nhớ quê nhà

Hoàng Bin LDO | 12/02/2024 20:00

Quảng Nam – Tết Giáp Thìn 2024, nhiều người con xa xứ không thể trở về quê hương đón Tết. Những cuộc gọi facetime (trò chuyện trực tuyến) với người thân trở thành cầu nối giúp lao động xa quê cùng ăn tết online (trực tuyến) với gia đình.

Công nhân tăng ca xuyên suốt dịp tết

Là 1 trong 171 công nhân ở lại đón Tết ở trong nhà trọ tại Quảng Nam, anh Phan Quang Linh, quê tỉnh Thanh Hóa làm việc mỗi ngày 12 tiếng, từ 6 giờ sáng đến 18 giờ, xuyên suốt trong kỳ nghỉ Tết.

Nhiều công nhân tại Quảng Nam đi làm xuyên Tết với thu nhập gấp 3 ngày thường nhưng vẫn không thể khoả lấp nỗi nhớ quê nhà. Ảnh: Hoàng Bin

Vợ chồng anh Linh có một con gái gửi về quê cho ông bà chăm từ lúc 7 tháng tuổi, đến Tết này con đã 4 tuổi. Phải xa con, xa gia đình, nhất là trong ngày Tết là điều không ai mong muốn, nhưng vì điều kiện còn khó khăn, nên họ quyết định ở lại làm tết.

“Ở đây hầu như không có Tết, chỉ có đi làm, tăng ca từ sáng đến tối về mệt rồi tranh thủ nghỉ ngơi ngày mai lại tiếp tục làm việc. Những cuộc gọi qua ứng dụng Zalo, Facebook với người thân, chia sẻ không khí Tết là niềm an ủi, động viên mình vượt qua nỗi nhớ nhà”, anh Linh chia sẻ.

Công đoàn Quảng Nam tặng quà, động viên anh Phan Quang Linh - công nhân xa quê đón Tết ở nhà trọ. Ảnh: Hoàng Bin

Cùng cảnh ngộ với anh Linh, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thúy (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) có con gái 1,5 tuổi gửi lại quê cho ông bà chăm sóc để vào Quảng Nam làm việc, đã 6 tháng nay 2 vợ chồng chưa được gặp con.

“Em cũng buồn, nhớ nhà, nhớ con lắm. Vợ chồng em gần như không có Tết khi thời gian chỉ xoay quanh với công việc, cũng chẳng màng đến những nhu cầu vui chơi giải trí, để tiết kiệm hết mức, chỉ biết cố gắng để năm sau có điều kiện được về với gia đình”, chị Thúy xúc động nói.

Kiều bào nhớ da diết Tết Việt

Tết này là năm đầu tiên, chị Nguyễn Thị Kiều Diễm (25 tuổi, quê TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đón tết tại nước Nhật. Vì mới sang Nhật được vài tháng nên chị Diễm chưa liên lạc được với nhiều đồng hương ở đây, nên không khí đón Tết xa quê khá trầm lắng, càng khiến nỗi nhớ gia đình và hương vị Tết Việt trong chị thêm da diết.

Người thân gọi điện trực tuyến để chia sẻ không khí Tết cổ truyền với chị Diễm (ảnh nhỏ) đang làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Bin

“Khi còn ở Việt Nam, sáng mùng 1 Tết, gia đình tôi cùng nhau đi viếng mộ người thân, sau đó lần lượt đến từng nhà chúc Tết. Mọi người ai cũng vui cười và nhẹ nhàng với nhau. Đến chiều tối, cả nhà ngồi quây quần với bữa cơm đoàn viên thật ấm cúng”, chị Diễm cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, cha của chị Diễm chia sẻ, ở trong làng cũng có nhiều gia đình có con đi xuất khẩu lao động. “Tôi vui mừng vì con đi lao động, phát triển sự nghiệp nhưng cũng chạnh lòng vì thương con xa xứ. Mấy ngày Tết, cả nhà thường gọi điện facetime chia sẻ không khí Tết Việt để nguôi ngoai nỗi nhớ con nơi xa xứ.

Những cuộc gọi trực tuyến kết nối lao động xa quê với gia đình trong những ngày Tết. Ảnh: Hoàng Bin.

Theo anh Nguyễn Thanh Tây, kỹ sư từng có thời gian làm việc tại Nhật Bản, vừa về nước cuối tháng 8.2023, do lệch múi giờ nên lao động tại Nhật vẫn phải làm việc trong thời khắc giao thừa. Để “đón tết online”, sau giờ làm việc, mọi người thường dành thời gian xem không khí tết trong nước, nói chuyện với người thân, bạn bè qua các phương tiện liên lạc hiện đại. Qua đó, cảm nhận mùa xuân, không khí rộn ràng, tươi vui của Tết cổ truyền ở quê nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn