MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cửa văn ngăn triều nặng 230 tấn được lắp thành công vào trụ pin cống ngăn triều Cây Khô. Ảnh: Minh Quân

Lắp cửa van khổng lồ 230 tấn của dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

MINH QUÂN LDO | 22/08/2020 14:22
Ngày 22.8, cửa van ngăn triều nặng 230 tấn được lắp thành công tại cống ngăn triều Cây Khô của dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ở TPHCM.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trung Nam Group (nhà đầu tư dự án), đây là van ngăn triều thứ 6/11 cửa van lớn (trọng lượng từ 230 tấn – 440 tấn) của dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng được lắp đặt thành công.

Đến nay dự án đã đạt 87 - 88% tiến độ, công việc còn lại không lớn, chủ yếu là xây kè xung quanh các cống ngăn triều. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là phải chờ bàn giao mặt bằng của khoảng 36 hộ dân thuộc huyện Nhà Bè.

Theo ông Tiến, hiện nay tiền đền bù đã có, phương án đền bù cũng đã lên, người dân cũng đồng thuận chỉ còn vướng ở khâu thẩm định giá nên chưa thể đền bù cho người dân.

“Nếu huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng trong tháng 8 thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay” – ông Tiến nói.

Van ngăn triều tại cống Cây Khô được lắp đặt sáng ngày 22.8. Ảnh: Minh Quân
Cửa van được cần cẩu vận chuyển từ sà lan đến vị trí lắp đặt trên công trường. Ảnh: Minh Quân
Công việc được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài phối hợp với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia trong nước.  Ảnh: Minh Quân

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng sau khi đưa vào vận hành sẽ thấy ngay hiệu quả với 4 nhiệm vụ chính gồm ngăn triều, bơm nước trong các kênh rạch để hỗ trợ vấn đề tiêu thoát nước trong đô thị, giữ nước môi trường và cuối cùng là có thể ngăn chặn xâm nhập mặn.

Về việc dự án khi làm xong liệu TPHCM có hết ngập hay không? Ông Tiến cho biết, dự án này là để ngăn triều lại và hỗ trợ việc bơm nước ra. Do đó, nếu nước trong thành phố mà không thoát từ cống ra được thì cũng chịu.

“Để chống ngập đòi hỏi các giải pháp phải đồng bộ. Ví dụ như cống ngăn triều đã bơm nước rồi và chờ nước từ cống chảy ra nhưng không chảy được do bị nghẹt cống gây ngập thì cái đó không phải do dự án”- ông Tiến giải thích.

Về chất lượng công trình, nhà đầu tư cam kết đảm bảo chất lượng công trình trong 5 năm thay vì 3 năm như hợp đồng ký kết với TPHCM. “Nếu được chọn là nhà vận hành, chúng tôi sẽ gắn bó suốt đời tuổi thọ của công trình" - ông Tiến cam kết.

Hai van ngăn triều khổng lồ được lắp đặt tại cống Cây Khô. Ảnh: Minh Quân

Có mặt tại buổi lễ lắp đặt cửa van, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, để tăng tốc đưa dự án hoàn thành tháng 12, có 5 đầu việc cần phải làm gồm: Phê duyệt phương án tổ chức quản lý vận hành dự án; Kiểm tra, kiểm toán đánh giá quá trình đầu tư làm cơ sở quyết toán sau này; Chuẩn bị đề án tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành dự án; Xây dựng danh mục khu đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT đã ký kết trước đó; Xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống ngập khi cống ngăn triều hoạt động.

Được khởi công từ tháng 6.2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng kinh phí hơn 9.926 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thi công (6.2019) nhưng do gặp nhiều vướng mắc nên dự án đã nhiều lần trễ hẹn.

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát ngập do triều và chủ động điều tiết nước, dự án tập trung xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn và xây dựng tuyến đê dài, bao gồm các hạng mục ở quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn