MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lấp hồ tự nhiên làm bất động sản: "Phải hạn chế đến cùng việc chôn lấp"

Tùng Giang - Đức Thiện LDO | 04/03/2022 15:13

Hà Nội - Những ngày này, dư luận xôn xao về việc gần 100 hộ dân tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy) phản đối, xin giữ lại hai hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy sắp bị san lấp lấy mặt bằng để phân lô bán nền. Chủ trương quy hoạch của quận Long Biên đã vấp phải phản ứng của rất nhiều người. Vấn đề ao hồ tại Hà Nội lại một lần nữa được nhắc đến nhiều hơn.

This browser does not support the video element.

Đổi hồ tự nhiên lấy bất động sản

Thực tế cách đây khoảng 10 năm khu vực các quận như: Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam – Bắc Từ Liêm, hay quận Tây Hồ là những vùng có nhiều ao hồ, tạo môi trường sống trong lành, hài hòa cho khu dân cư.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá và tăng trưởng dân số tại Thủ đô đã dẫn đến nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cao, khiến ao hồ là mục tiêu lấn chiếm, san lấp, thậm chí đã hoàn toàn biến mất.

Hàng nghìn m2 hồ tự nhiên tại phường Ngọc Thụy sắp bị san lấp để phân lô bán nền.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 – 2015, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Hiện số hồ còn lại khoảng 112, tổng diện tích mặt nước năm 2015 gần 7 triệu mét vuông, giảm 72.500m2 so với năm 2010 và đến nay, con số này vẫn chưa chững lại.

Trao đổi với Lao Động, PGS. TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng cho rằng, đối với vấn đề môi trường ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang được người dân vô cùng quan tâm.

Do đó, việc tạo cảnh quan, bố trí tỉ lệ cây xanh và những vùng có điều kiện tự nhiên như hồ, ao phải hạn chế đến cùng việc chôn lấp.

PGS TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng.

“Hồ, ao tự nhiên là “lá phổi” điều hòa không khí, giúp các khu dân cư tránh úng ngập trong mùa mưa. Những thành phố đáng sống trên thế giới hầu như đều có nhiều rừng cây, hồ nước trong lòng thành phố”, PGS. TS Bùi Thị An nói.

Khi được hỏi về tình trạng các hồ từ nhiên lần lượt bị san lấp để phục vụ các dự án bất động sản, nhưng người dân được hứa hẹn sẽ xây mới các hồ nhân tạo, đơn cử như câu chuyện tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) vừa qua, theo vị chuyên gia, hồ tự nhiên có giá trị khác với hồ nhân tạo do nó tự thân nó hình thành hệ sinh thái tuần hoàn, hữu cơ.

Đa số các hồ nhân tạo gắn với dự án bất động sản tạo cảnh quan đẹp nhưng có những hồ gây nguy hại về môi trường nếu lạm dụng hoá chất xử lý ô nhiễm nước hồ.

Do vậy, việc chạy đua các giá trị thương mại là việc của các đơn vị bất động sản. Còn tạo ra môi trường sống bền vững cho dân là trách nhiệm của các cấp chính quyền.

“Các cấp chính quyền tại quận Long Biên cần có sự đối thoại với người dân, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi phê duyệt việc lấp hồ, tránh việc vội vã để gây ra những hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng”, PGS. TS Bùi Thị An đề nghị.

Cũng theo bà An, không chỉ ở Long Biên, thực tế 10 năm qua việc bảo vệ hồ tại Hà Nội không được bao nhiêu. Nếu không nỗ lực đào, cải tạo ao hồ hiện có sẽ khó bù lại hàng trăm nghìn ha sông, hồ, đất ruộng trũng bán ngập đã bị lấp đi cho các dự án bất động sản.

Cần có điều tra cập nhật hiện trạng ao, hồ Hà Nội

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường – cho biết: Các ao hồ tự nhiên ở Hà Nội cần được bảo vệ, tôn tạo để tăng giá trị phục vụ cộng đồng.

Khi phát triển đô thị, thậm chí cần phải tạo thêm các hồ nhân tạo, tăng diện tích mặt nước. Trường hợp bắt buộc phải san lấp hồ, ao thì cơ quan quản lý cần công khai thông tin, quy hoạch, chứng minh được lợi ích tổng thể sau khi san lấp ao hồ đối với cộng đồng.

 Những ao hồ tự nhiên đang trở thành lá phổi xanh của cộng đồng.

Để triển khai hiệu quả các dự án, hạ tầng nhưng tránh ảnh hưởng đến môi trường, nhất là vấn nạn san lấp ao, hồ xảy ra thời gian qua, theo TS. Nguyễn Thế Đồng, việc này dù đã có các quy định pháp luật, nhưng cần nghiêm túc trong triển khai thực hiện.

“Trước mắt nên sớm có điều tra cập nhật chi tiết hiện trạng ao hồ Hà Nội, đặc biệt là ao hồ tự nhiên, trên cơ sở đó đối chiếu với quy hoạch, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch nếu thấy chưa hợp lý. Ngoài ra, cần định kỳ kiểm tra và xử phạt nghiêm các vi phạm, bên cạnh đó cần bảo vệ, đẩy mạnh tôn tạo lại các hồ ao”, TS. Nguyễn Thế Đồng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn