MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe dù bắt khách tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: CƯỜNG NGÔ

Lập lực lượng liên ngành tuyên chiến với “xe dù bến cóc”

KHÁNH HOÀ LDO | 06/04/2018 09:54
Đón tận cửa trả tận nơi, nhiều loại xe chạy tuyến cố định đã và đang núp bóng xe hợp đồng để lách luật. Hình thức vận tải này có vẻ tiện với một số người dân nhưng lại gây mất trật tự an toàn giao thông tại nhiều địa phương, đồng thời, tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng trong lĩnh vực vận tải. Phản ánh thực tế trong loạt bài của Báo Lao Động, đã buộc cơ quan chức năng phải ngồi lại bàn bạc phương án giải quyết.

“Xe dù bến cóc” tái xuất, lực lượng chức năng kêu khó xử lý

Hơn 2 tuần sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài phóng sự phản ánh về tình trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn TP.Hà Nội và Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp liên ngành với sự tham gia của nhiều ban ngành và đại diện Sở GTVT Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và TP.Hà Nội để đánh giá thực trạng cũng như đưa ra giải pháp để báo cáo Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thẳng thắn chất vấn các sở GTVT liên quan về diễn biến phức tạp của tình trạng này. Ông Thọ khẳng định, đã tự mình đi khảo sát và phát hiện ra không ít điểm bến cóc tại Nam Định, Hà Nam và đặt câu hỏi “thanh tra Sở (GTVT Hà Nam) có chống lưng không?” khi hiện tượng xe hợp đồng dừng đỗ đón khách “vô tư hồn nhiên” gần công viên trung tâm.

Thừa nhận việc xe hợp đồng ngày càng phát triển, nhưng đại diện Sở GTVT Nam Định, Hà Nam cho rằng, loại dịch vụ này khá tiện lợi nên được nhiều người dân ưa chuộng và ở một góc độ nào đó cũng mang đến cho hành khách dịch vụ tốt hơn xe tuyến cố định.

Còn theo lãnh đạo Sở GTVT Ninh Bình, tỉnh này có 53 xe với 110 chuyến/ngày và “loại hình này dân đồng tình, chất lượng phục vụ tốt” nhưng vẫn là hình thức trá hình và sở đã nhiều lần kiểm tra giám sát, xử phạt. Tuy nhiên, theo các Sở GTVT việc xử lý không dễ dàng bởi các xe đó đều “lách luật” trưng ra hợp đồng và để chứng minh hợp đồng đó vô hiệu rất khó do quy định trong Nghị định 86 có một số điểm chưa rõ ràng và các lái xe có nhiều chiêu để đối phó. Chẳng hạn hành khách nói dối là người nhà đi nhờ và khi bắt quả tang xe dừng đỗ giữa đường thì lấy lý do khách đi vệ sinh, người nhà tới đưa hàng… và việc chứng minh rất khó khăn.

Còn Phó Thanh tra Sở GTVT Hà Nội lại cho rằng, chỉ có tình trạng bến cóc chứ xe dù không nhiều vì xe không có phù hiệu chạy rất ít mà chủ yếu là xe dùng phù hiệu hợp đồng chạy tuyến cố định.

Đây là vấn nạn không chỉ với Hà Nội mà tại nhiều địa phương và dù đã có nhiều biện pháp nhưng chưa giải quyết triệt để.

“Chiến đấu với xe dù, bến cóc” phải như với xe quá tải

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng có chỉ thị mới để các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc ngăn chặn giống như vấn đề xe quá tải phải có sự vào cuộc đồng bộ chứ không thể đổ cho 1 cấp ngành nào. Ông Thọ thống nhất với đề xuất của Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng về việc thành lập tổ kiểm tra liên ngành để xử lý nghiêm tình trạng trên. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở GTVT có báo cáo cụ thể về vấn đề “xe dù, bến cóc” theo thông tin báo chí phản ánh để Vụ An toàn giao thông tổng hợp đưa vào báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Riêng đối với Cảng HKQT Nội Bài, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định về vấn đề nhượng quyền khai thác, taxi, xe khách. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh xem xét các hình thức thí điểm bến xe hỗn hợp để đưa loại hình xe hợp đồng vào quản lý từ đó có những đề nghị để sửa đổi hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Cụ thể, hiện nay theo quy định, có tới 5 loại hình vận tải hành khách gồm taxi, xe buýt, xe tuyến cố định, xe du lịch và xe hợp đồng, trong khi đó ranh giới của một số loại hình không rõ ràng dẫn tới tình trạng nhập nhèm lách luật. Bộ đề xuất thu gọn các loại hình vận tải xuống còn 2-3 loại và hoàn thiện hành lang pháp lý và hành lang hạ tầng để tạo sân chơi bình đẳng giữa xe tuyến cố định với xe hợp đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn