MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trang trại lợn quy mô lớn của vợ chồng Hoan-Nhâm tại vùng biên giới đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Ảnh: VĂN LÊ

Lập thân, làm giàu nơi biên viễn

LÊ VĂN VỴ LDO | 11/08/2018 11:25
Cầm tinh con hổ, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Đình Hoan (thuộc Tổng đội TNXP Tây Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh) lựa chọn vùng rừng núi biên cương lập thân, lập nghiệp, làm giàu.

Bám trụ với núi rừng

Ngày 12.3.2003, Tổng đội TNXP Tây Sơn được thành lập, Trần Đình Hoan đã hăng hái gia nhập vào Tổng đội. Những năm trước 2003, cuộc đời Hoan gắn liền với vô-lăng và những cung đường. “Từ Cẩm Thịnh, Cẩm Xuyên lên thị trấn Tây Sơn lập nghiệp, tôi buôn hàng Thái từ Lào về. Buôn bán vất vả, thậm chí nguy hiểm mà không ăn thua. Có được cơ hội Tỉnh đoàn thành lập Tổng đội TNXP, tôi đăng ký gia nhập ngay” - Hoan chia sẻ.

Những năm đầu thành lập, Tổng đội đương đầu với muôn vàn khó khăn từ cơ sở vật chất, nơi làm việc, nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh sống, tất cả đều tạm bợ.

Nhận đất rừng, hai vợ chồng chọn đất dựng lán trại, quyết sống chết với rừng. Những năm 2000, ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Sơn Kim 2, người dân chưa mặn mà với rừng. Tổng đội được giao 3.631,7ha, Hoan được khuyến khích nhận 30ha rừng.

Với kế sách kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, vợ chồng Hoan đã phát huy được lợi thế của đất rừng. “Bây giờ nói đơn giản vậy, nhưng vợ chồng chúng em đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đường sá đi lại, lên dốc, xuống suối.

Vài trận mưa là nước suối dâng đầy. Nơi ở bị chia cắt. Muỗi rừng, vắt nhiều vô kể. Mùa hè nắng nóng. Mùa mưa âm u đối mặt với lũ ống, lũ quét. Trận lũ năm 2013 không chỉ cuốn phăng lúa, ngô mà cuốn trôi cả trâu, bò, gà, lợn. Phải có gan mới trụ lại nơi thâm sơn cùng cốc này” - chị Phạm Thị Nhâm (vợ Hoan) cho biết.

Giàu lên từ hai bàn tay trắng

Năm 2015, xã Sơn Kim 2, Sơn Tây dấy lên phong trào xây dựng NTM. Tổng đội TNXP Tây Sơn khuyến khích các hộ góp vốn làm kinh tế. “Vợ chồng em đầu tư trang trại vừa chăn nuôi lợn nái vừa chăn nuôi lợn thịt, tất tần tật các khoản đầu tư từ cơ sở vật chất chuồng trại, dự án môi sinh, môi trường, cho đến mua con giống, thức ăn đã lên tới 26 tỉ đồng, làm cơ sở chăn nuôi đàn lợn nái 500 con và đầu tư nuôi 2.000 con lợn thịt/mỗi lứa” - Hoan kể tiếp.

Cuối năm 2015 đầu tư chăn nuôi, năm 2016 và đầu năm 2017 cân đối được thu-chi, có tiền để trả lương cho công nhân. Nhưng, niềm vui chưa trọn, thì đối mặt với rớt giá. Đây là giai đoạn nhiều chủ trang trại lao đao với bão giá. “Em gan cóc tía, vẫn nuôi bình thường, cố gắng cầm cự. Cuối năm 2017, sang năm 2018 này, giá cả ổn định, có thể thở phào nhẹ nhõm rồi” - Hoan nói.

Mỗi năm trang trại của cựu TNXP này 2 lứa lợn con (khoảng 1.200 con lợn giống) và 6.000 con lợn thịt, doanh thu cũng kha khá. Cái được nhất của trang trại là giải quyết công ăn việc làm cho gần 30 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Có những người như anh Nguyễn Hải Đường, từ Đô Lương, ba năm nay không rời trang trại, chăm lo cho từng lứa lợn giống; lại có những người như anh Nguyễn Đình Thanh, cả hai vợ chồng lúc khó khăn cũng như thuận lợi không bỏ trang trại. Và nhất là hơn 20 em thanh niên đã đổ mồ hôi lập thân, lập nghiệp trưởng thành từ nơi đây.

Anh Hoàng Thế Lộc - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Tây Sơn - ghi nhận: “Có thể nói Dự án làng thanh niên lập nghiệp rất thành công. Đến nay 218 hộ dân thuộc Tổng đội TNXP chúng tôi đã ổn định, phát triển được đời sống nơi vùng biên này, có những hộ vươn lên như anh Hoan, chị Nhâm là cả một nỗ lực phấn đấu đáng trân trọng.

Trang trại của vợ chồng anh Hoan không chỉ thành công phát triển mô hình kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, mà còn tăng thêm nhân lực tại chỗ để bảo vệ rừng, bảo vệ biên cương của tổ quốc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn