MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lát đá vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh: Mạnh Khánh

Lát đá vỉa hè cần theo quy chuẩn kỹ thuật đặc biệt mới không bị lún, nứt vỡ

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/12/2022 17:30

Vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội được lát đá tự nhiên nhưng xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau 2-3 năm sử dụng. Trong khi đó, vấn đề vì kinh phí cho chương trình cải tạo, lát đá vỉa hè là một nguồn lực không nhỏ.

Không phải đến bây giờ, dư luận mới quan tâm đến tình trạng xuống cấp ở nhiều tuyến vỉa hè từng được thông tin là lát bằng đá tự nhiên, kết cấu bền vững bảo đảm sử dụng 50-70 năm.

Bởi lẽ, từ năm 2017, sau khi một số quận của Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, hiện tượng nứt, vỡ, sụt, lún đã xảy ra ở nhiều nơi. Dư luận phản ánh, bức xúc thì cơ quan chức năng thành phố mới lập đoàn kiểm tra và yêu cầu khắc phục thiếu sót.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, theo số liệu báo cáo của UBND các quận, huyện, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 255 tuyến phố, hè được lát đá tự nhiên.

Một số tuyến phố ở Hà Nội đang được thi công, lát đá vỉa hè. Ảnh: Phạm Đông

Bên cạnh công tác khảo sát, thiết kế, hạ ngầm, chất lượng thi công đã được nâng lên, Sở Xây dựng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác nghiệm thu vật liệu đầu vào, quản lý chất lượng, vệ sinh môi trường tại một số dự án chưa đảm bảo. Công tác quản lý, sử dụng sau đầu tư chưa phù hợp theo công năng thiết kế; công tác bảo hành, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức...

Trên một số tuyến phố như Láng Hạ, Giảng Võ, đơn vị thi công còn chưa hoàn thiện đoạn vỉa hè thì đã có ôtô dừng đỗ.

Ghi nhận của PV Lao Động cho thấy, hiện nay, một số tuyến phố của Hà Nội như Nguyễn Chí Thanh, Cầu Giấy, Xuân Thủy... cũng đang được thi công lát đá, chỉnh trang hè phố.

Theo các chuyên gia, việc thi công lát đá vỉa hè cần theo quy chuẩn kỹ thuật đặc biệt mới giữ được lớp đá không bị lún, nứt vỡ. Triển khai lát hè khi đáp ứng yêu cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, chiếu sáng, cấp điện.

Lưu ý khi thi công xung quanh các hố ga, miệng cống, ống cống thoát nước đảm bảo kín khít, tránh hiện tượng rò rỉ nước làm rút cát, nền đất gây sụt lún mặt nền hè.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, toàn bộ mặt nền hè đường phải được đầm chặt đảm bảo độ chặt theo yêu cầu thiết kế, đảm bảo độ dốc thiết kế từ ranh giới lát hè đến hàng bó vỉa và phải tổ chức nghiệm thu trước khi đổ bê tông.

Theo ông Tùng, kỹ thuật lát đá rất quan trọng, nếu một viên đá đặt lên mà ở dưới không ổn định thì nó nứt vỡ thôi. Lát đá vỉa hè hay không lát đá mà dùng vật liệu khác thì phải đảm bảo đầu tiên là sự bền vững.

Hai là an toàn cho người đi bộ. Ba là phải thân thiện với môi trường.

Do đó, ông Tùng cho rằng đã đến lúc cần phải chấn chỉnh lại việc thi công, lát đá vỉa hè.

Bên cạnh đá tự nhiên, một số vật liệu như gạch giả đá cũng được sử dụng tại một số quận, huyện. Ảnh: Phạm Đông

Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nếu cứ làm mà vài năm lại vỡ nát, chỉnh sửa thì rất tốn kém, lãng phí. Thậm chí, có nhiều tuyến lát đá, cải tạo vỉa hè mà chưa hạ ngầm. Rồi lúc thì đơn vị điện lực, đơn vị thông tin, thoát nước đào lên, lấp xuống thì lại càng lãng phí và tốn kém.

Các đơn vị chức năng cũng cần phối hợp với Sở GTVT Hà Nội thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ phương tiện giao thông trên vỉa hè không đúng quy định. Nghiêm cấm việc sử dụng mặt hè trái công năng, mục tiêu thiết kế gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.

Để tăng cường chất lượng sử dụng đá, nâng cao tuổi thọ công trình, ông Nghiêm cũng cho rằng cần sử dụng nhóm đá có độ bền uốn thấp, nghiên cứu tăng chiều dày viên đá so với mẫu thiết kế. Các quận, huyện cần kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình lát hè thuộc thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn