MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong lần về thăm Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những nỗ lực, sự kiên trì của đội ngũ giáo viên, lãnh đạo nhà trường và cho rằng đây là một mô hình cần được lan toả. Ảnh: VGP

“Lấy người học làm trung tâm” - tạo ra những công dân toàn cầu

Đặng Chung LDO | 02/09/2020 18:19
“Một buổi sáng khi đang ngồi trong phòng làm việc tại trường, tôi nghe tiếng gõ cửa. “Mời vào” - vừa dứt lời thì một cậu học trò bước vào, giơ nửa ngón tay bị chặt đứt trước mặt tôi. Cậu khóc và hứa từ nay sẽ thay đổi. Cậu đã tự chặt ngón tay để thể hiện quyết tâm thay đổi”. Đó chỉ là một trong số hàng trăm tình huống, câu chuyện mà TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng - kể với chúng tôi về những cô cậu học trò có cá tính mạnh, về ngôi trường được coi là đặc biệt nhất Thủ đô này.

Lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt của học sinh

Hơn 30 năm trước, tại lễ tổng kết năm học 1988 - 1989, một vấn đề bức xúc của giáo dục Hà Nội được bà Trần Thị Tâm Đan - khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - đặt ra và bày tỏ lo ngại. Đó là thời điểm sau Đổi mới, khi kinh tế vừa mở cửa, một bộ phận học sinh có biểu hiện sa vào chơi bời, đạo đức xuống cấp, còn nhiều học sinh bị đuổi học.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm khi đó là Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã đề xuất mở một ngôi trường nhận những học sinh bị các trường khác đuổi để về dạy lại. Trường theo đuổi triết lý không buông tay, không bỏ rơi bất kỳ một học sinh nào. Ý tưởng đó được xem là liều lĩnh. Bởi bình thường, một lớp có vài học sinh quậy phá, giáo viên đã rất vất vả. Vậy mà, một trường lại tập hợp tất cả học sinh đó lại, làm sao để quản lý, dạy dỗ?

Trong những ngày đầu thành lập, 60% học sinh yếu kém văn hóa, 20% học sinh bị các trường khác xếp loại yếu kém về đạo đức, nhiều em bị xem là “hết thuốc chữa”, nhưng thầy Lâm vẫn nhận về trường. Cũng trong những ngày đầu đó, trường còn được gọi với biệt danh là “trường đinh kinh hoàng”. Bởi có thời điểm, ban giám hiệu trường phải mời cảnh sát cơ động tới túc trực, ngăn chặn học sinh đánh nhau.

Nhưng trong 30 năm qua, TS Nguyễn Tùng Lâm vẫn kiên trì, cần mẫn thực hiện phương châm giáo dục không kén chọn đầu vào, chấp nhận mọi hoàn cảnh của học sinh, nhưng phải đảm bảo “học sinh nên người” ở đầu ra. Và nỗ lực của thầy đã được đền đáp xứng đáng, khi nhiều năm nay, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của trường đạt hơn 90%; khoảng 65% số học sinh lớp 12 của trường đủ điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Những cô cậu học trò từng bị xem là “cá biệt”, khi được nhận vào học tập đã trở thành những người tử tế. Nhiều em trong số đó nay đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước.

Vậy, bằng cách nào TS Nguyễn Tùng Lâm và giáo viên trong trường có thể xoay chuyển được tình thế, dạy dỗ những học trò từng bị coi là “hết thuốc chữa” nên người? “Luôn tôn trọng học sinh, kể cả sự riêng biệt của các em. Lắng nghe học sinh nhiều hơn để các em thấy được là người có vị trí, giá trị trong cuộc sống”- ông đáp.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chưa một lần người thầy này than phiền và kiên quyết không cho ai gọi những học trò của mình là “cá biệt”. Bởi ông tâm niệm: “Không có học sinh cá biệt, chỉ do học trò cá tính. Không có học sinh hư, chỉ là học trò chưa ngoan”.

Triết lý “lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt của học sinh” mà TS Nguyễn Tùng Lâm theo đuổi suốt 30 năm qua cũng rất gần với phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm” mà nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển đã và đang theo đuổi. Cách tiếp cận với học sinh thế kỷ XXI là lấy chính học sinh làm trung tâm, khuyến khích học sinh tự định hướng và được tôn trọng mọi sự khác biệt.

“Không bao giờ được đếm sai lầm, vi phạm để xếp loại học trò”

Trở lại với câu chuyện về cậu học trò tự chặt đứt ngón tay mà nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm kể. Bố cậu mất sớm, mẹ bán hàng nước để nuôi con ăn học. Bà chắt chiu mua cả xe máy cho con đi, nhưng cậu ta lại “cắm” xe. Cô chủ nhiệm nhắc nhở, cậu tỏ thái độ bất cần, cãi lại. Cô giáo hết cách, gọi mẹ cậu đến và đưa cả hai mẹ con xuống phòng của TS Nguyễn Tùng Lâm - khi đó là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - để trả học sinh về gia đình. Và thầy đã có một buổi ngồi nói chuyện với hai mẹ con.

“Tôi nói với cậu học trò rằng: Bây giờ vấn đề dạy con mới khó, chứ đuổi học con thì quá dễ. Cũng là một người đàn ông, thầy thấy con rất kém khi không làm chỗ dựa cho mẹ được, để gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó này. Thầy cho con một ngày về suy nghĩ. Ngày mai, con có câu trả lời là có thay đổi để làm lại hay không?”.

Hôm sau, học sinh đó trở lại trường với nửa ngón tay út bị chặt đứt để thể hiện quyết tâm thay đổi. Sau này, cậu thi đỗ hai trường đại học và giờ đang là giám đốc một công ty thép. Tôi đã làm được một việc quan trọng là chuyển thói quen ích kỷ chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu trước mắt sang nhu cầu “thay đổi để báo hiếu cha mẹ” của cậu học trò này” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhớ lại.

Ông cũng cho rằng, quá trình giáo dục con người phải hết sức tỉ mỉ và nhà sư phạm phải chủ động tìm phương pháp tác động để giúp cho học sinh tự phấn đấu đạt được những điều tốt đẹp mà các em mong muốn. Muốn làm được điều này, trước hết, người thầy phải học cách tôn trọng và lắng nghe học sinh nhiều hơn.

Theo cô Đặng Ngọc Trâm - từng là giáo viên nhiều năm ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và nay đang là hiệu trưởng của trường, quan điểm dạy học “tôn trọng, lắng nghe, lấy học sinh làm trung tâm” mà thầy Nguyễn Tùng Lâm là người “nhóm lửa” đã lan truyền đến tất cả thầy cô trong trường. Nhiều năm nay, nhà trường có cách đánh giá học sinh rất đặc biệt, khác với nhiều trường khác.

“Chúng tôi không đếm sai lầm, vi phạm để xếp loại học trò mà nhìn vào những điều tốt các em đã làm được. Chúng tôi cũng không so sánh học sinh với nhau, mà chỉ so sánh chính bản thân các em, để học trò thấy mình đã tiến bộ như thế nào” - cô Trâm nói.

Kỳ vọng trước những đổi thay lớn

Năm 2020 là giai đoạn nước rút, bước “quá độ” cho chặng đường đổi mới giáo dục. Sau gần 20 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (từ năm 2000) với quy định duy nhất một chương trình 1 bộ sách giáo khoa, thì từ năm học 2020-2021, sách giáo khoa sẽ không còn là pháp lệnh. Tương lai sẽ có nhiều bộ sách cùng sử dụng trong trường học.

Đặc biệt, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới - cho hay, mục tiêu của lần đổi mới giáo dục lần này là chuyển từ một nền giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học sang một nền giáo dục giúp phát triển năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho công dân trong tương lai. Đây cũng là những mục tiêu mà giáo dục công dân toàn cầu hướng tới, tức là lấy người học làm trung tâm tích cực hoá hoạt động học tập. Trước đây, chúng ta cũng đã nghiên cứu nhưng chưa triển khai được nhiều. Lần đổi mới này phải thực hiện cho kỳ được quan điểm lấy người học làm trung tâm.

Kỳ vọng rất nhiều, nhưng theo một số chuyên gia, lo ngại nhất hiện nay là đội ngũ giáo viên có kịp thích ứng với yêu cầu của đổi mới giáo dục. Bởi giáo viên sẽ phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức, đúng với quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm”.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, “lấy người học làm trung tâm” không có nghĩa là hạ thấp vị trí của người thầy, mà đưa người thầy xuống trở thành người “quan sát” hoạt động của học sinh. Khi ở vị trí quan sát, người thầy không nên áp đặt suy nghĩ lên học trò, mà chỉ đóng vai người hướng dẫn. Để làm được điều này, các thầy cô cùng thay đổi, bắt đầu từ những việc nhỏ là “biết tôn trọng và lắng nghe học sinh nhiều hơn”. Bởi trong tương lai, quan điểm dạy học “lấy người học làm trung tâm” sẽ là một phương hướng, một kiểu dạy học phù hợp với yêu cầu của thời đại mới - giáo dục để tạo nên những con người tự chủ, sáng tạo, là những công dân toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn