MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lê Bống cùng nhiều KOL có mặt tại chương trình Tin. Ảnh: BTC

Lê Bống cùng nhiều KOL tham gia phòng, chống tin giả trên mạng

KHÁNH AN LDO | 11/10/2023 11:44

Các KOL (Key Opinion Leader - người có sức ảnh hưởng) tại Việt Nam đã cùng nhau hưởng ứng chương trình phòng, chống tin giả trên mạng - chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) phát động.

Tín hiệu lạc quan từ mạng xã hội

Sáng 11.10, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) tổ chức chương trình phát động các hoạt động của chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức người dùng Internet tại Việt Nam mang tên “Chiến dịch Tin”.

Với thông điệp “Tin trên mạng, tin cho đúng”, mục tiêu của chiến dịch là cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Đồng thời, nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TTTT. Ảnh: BTC

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, mạng xã hội là nơi mà gần 80 triệu người dùng Internet tại Việt Nam đang sử dụng hàng ngày.

Trước đây, một số mạng xã hội cho người dùng xem nội dung miễn phí nhưng kèm theo đó phải xem quảng cáo. Theo ông Lâm, mô hình này kéo theo việc sản xuất, lan truyền và gia tăng tin giả, tin thất thiệt. Kèm theo đó là những thuật toán gợi ý nội dung này để người dùng xem tin giả nhiều hơn.

Thế nhưng, thời gian gần đây đã có một số tín hiệu lạc quan từ các mạng xã hội xuyên biên giới. Các nền tảng này chuyển dần mô hình kinh doanh, từ việc cho người dùng chia sẻ nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo trên đó sang thu phí.

Cụ thể, YouTube chuyển dần từ mô hình quảng cáo sang mô hình không xem quảng cáo nhưng phải trả tiền. Facebook cũng đang có xu hướng chuẩn bị cho một loại hình dịch vụ mới là không xem quảng cáo nhưng phải trả tiền.

"Khi chuyển đổi mô hình kinh doanh như vậy, quan điểm phục vụ, cách sáng tạo nội dung để thu được tiền của người sử dụng phải hoàn toàn khác. Từ đó thấy rằng, câu chuyện chống tin giả, tin xấu độc có thêm một số diễn biến mới" - Thứ trưởng Lâm nhận định.

Thứ trưởng Lâm cũng cho rằng, cộng đồng những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cần phát huy trách nhiệm xã hội của mình, đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước trong việc truyền thông, lan toả những giá trị tốt đẹp, truyền thông chính sách đến với người dân theo cách phù hợp nhất.

Truyền thông chính sách theo cách mới

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: Tin giả là vấn nạn mà ai trong chúng ta cũng từng trải qua. Hiện nay, trên không gian mạng có một biển thông tin và có rất nhiều nội dung trên đó có khả năng là tin giả.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Ảnh: BTC

Từ lâu, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã mong chờ được tập hợp, cùng chung vai sát cánh với các nhà sáng tạo nội dung trên mạng để triển khai những hoạt động có ý nghĩa và truyền thông cho cộng đồng.

“Một cuộc thi sáng tạo nội dung, làm video trên mạng - đây là cách làm truyền thông chính sách rất mới. Tôi nghĩ chắc từ trước đến giờ chưa có cuộc thi nào do Nhà nước tổ chức theo cách này. Đây là điều mà tôi rất mong chờ sẽ thành công để tạo ra hiệu ứng về truyền thông chính sách trong thời gian tới” - ông Do nói.

Ông Do cho biết, mục đích cao nhất của chiến dịch truyền thông này là giúp người dân biết cách phân biệt được tin thật - tin giả và để không mắc phải những hậu quả mà tin giả gây ra.

Một tín hiệu tích cực là từ ngày 2.10 đến nay, một số nhà sáng tạo nội dung làm video với nội dung về “Anti Fake News”. Tính đến hiện tại, đã có 592.000 video gắn hashtag “Anti Fake News” và có hơn 2 tỉ lượt xem các video liên quan đến nội dung này.

Cũng tại chương trình, nhà sáng tạo nội dung Lê Bống cùng nhiều KOL cho biết, thời gian tới sẽ chung tay tham gia các chương trình phòng chống tin giả, cùng nhau tạo những video về “Anti Fake News” để lan toả đến cộng đồng những thông điệp tích cực.

"Là một người sáng tạo nội dung, một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, tôi đã trang bị cho mình kiến thức để chọn lọc thông tin, để biết rằng đâu là tin giả và đâu là tin đúng. Tất cả các nhà sáng tạo nội dung cần chia sẻ những thông tin mang tính giáo dục, những thông điệp có ý nghĩa, cùng nhau tham gia những hoạt động có ý nghĩa để chống tin giả" - Lê Bống nói.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: BTC

“Chiến dịch Tin” được bắt đầu triển khai từ tháng 10 đến tháng 11.2023 bao gồm các hoạt động chính: Cuộc thi sáng tạo nội dung “Anti Fake News” và chương trình Internet - nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn