MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dòng người hành hương về Đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: TÔ THẾ

Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương 2018: Triệu trái tim hướng về nguồn cội

VƯƠNG TRẦN - CAO NGUYÊN LDO | 25/04/2018 06:51

Những ngày diễn ra Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018, hàng triệu người hành hương hướng về cội nguồn dân tộc. Ban tổ chức (BTC) lễ hội thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo cho mọi người tham gia giỗ tổ trang nghiêm, an toàn.

Quyết tâm thực hiện “5 không”

Theo ghi nhận của PV Lao Động, ngay từ những ngày đầu khai hội từ ngày 21.4 (tức ngày 6.3 Âm lịch), du khách thập phương khắp nơi đã nô nước trở về Khu di tích lịch sử Đền Hùng dâng hương, tham quan, thưởng thức những tiết mục văn nghệ. Khắp các lối lên từ cổng Đền hướng về núi Nghĩa Lĩnh lễ tổ đều đông kín du khách. Dòng người nườm nượp khiến lực lượng chức năng khá vất vả trong việc hướng dẫn và phân luồng, tình trạng chen lấn, xô đẩy được hạn chế rõ rệt. Phía sân khu vực lễ hội luôn thường trực lực lượng thu dọn rác.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Đào Thị Ngọc Tuyết - Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ) cho hay, BTC Lễ hội đã thành lập các tổ công tác liên ngành nhằm kiểm tra, xử lý các vấn đề phát sinh tại lễ hội. Công tác đảm bảo an ninh trật tự an toàn, quản lý thị trường được BTC giỗ tổ đặc biệt quan tâm, đảm bảo an toàn tuyệt đối các hoạt động văn hóa, lễ hội. Đồng thời, nhiều lực lượng được bố trí để phân luồng, hướng dẫn du khách hành hương về đất Tổ. Trong những ngày qua, hệ thống loa truyền thanh khu di tích liên tục phát đi những nội quy thực hiện giữ gìn trật tự trị an, nếp sống văn minh tại khu di tích. BTC đã đưa vào danh mục cấm du khách mặc đồ hở hang lên dâng hương. Đến thời điểm này, các lực lượng đang làm tốt nhiệm vụ, không xảy ra tình trạng móc túi, cướp giật cũng như chen lấn xô đẩy.

Theo ước tính của BTC Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng năm 2018, từ khi khai hội đến trưa ngày 23.4 (tức ngày 8.3 âm lịch), đã có khoảng 3 triệu lượt du khách hành hương về với Đất Tổ Hùng Vương và tham dự các hoạt động giỗ tổ. Dự kiến, trong hai ngày tới lượng du khách sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTC Giỗ Tổ Hùng Vương 2018 - để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào và du khách thập phương về dự giỗ tổ, BTC lễ hội quyết tâm thực hiện “5 không”. Đó là không tình trạng ùn tắc giao thông; không xảy ra tình trạng kinh doanh, dịch vụ với giá cả mang tính “chặt chém”; không có người ăn xin, ăn mày; không xảy ra các hành vi mang tính phản cảm; không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lễ hội như một bảo tàng về lịch sử văn hóa dân tộc

Các hoạt động phần lễ và phần hội trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018 diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21 đến hết ngày 25.4 (tức ngày 6 đến ngày 10.3 năm Mậu Tuất). Năm nay, cùng với Phú Thọ, 4 tỉnh khác cùng tham gia góp giỗ là: Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Nam và Kiên Giang, bao gồm nhiều hoạt động văn hóa xuyên suốt. Phần lễ được chuẩn bị trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc, bao gồm Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ Rước kiệu về Đền Hùng, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Phần hội bao gồm các lễ hội rất phong phú nhằm tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát xoan Phú Thọ”.

TS Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng Khoa Văn hóa Phát triển Học viện Báo chí và Tuyên truyền - nhìn nhận, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cấp quốc gia dân tộc là tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Ngày 6.12.2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Do vậy, hằng năm cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương lại có hàng triệu đồng bào hành hương, hướng về nguồn cội tại Đền Hùng (Phú Thọ). Đó là một trong những cách thức để thực hiện chủ nghĩa yêu nước, thực hành đạo lý uống nước nhớ nguồn chứ không còn đơn thuần chỉ là hành vi của tín ngưỡng và niềm tin. Năm nay, cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài cũng có những hoạt động, hội thảo quốc tế viết về ngày quốc lễ, quốc Tổ.

“Mặt khác, tại Lễ hội Đền Hùng không chỉ có câu chuyện hành hương đơn thuần mà ở đây còn có rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, văn hóa dân gian được sống trong lòng nhân dân một cách thật sự. Lễ hội như một bảo tàng về lịch sử văn hóa dân tộc chứa đựng nhiều giá trị như giá trị thẩm mỹ, văn hóa, giao tiếp, ứng xử, lịch sử, giáo dục, các giá trị nhận thức… Người đi lễ vừa được thừa hưởng các giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Những điều đó lý giải sự hấp dẫn của lễ hội này. Một lễ hội thu hút được hàng triệu đồng bào tham gia như vậy là một tín hiệu đáng mừng” - TS Nguyễn Ánh Hồng nói.

Bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ 30.4, 1.5

Ngày 20.4.2018, Bộ trưởng Tô Lâm ban hành Điện gửi Thủ trưởng các tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc bộ; giám đốc công an, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) Giỗ Tổ Hùng Vương, dịp Lễ kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4) và Ngày Quốc tế Lao động (1.5). C.NGUYÊN

Thời tiết những ngày diễn ra Lễ hội Đền Hùng

Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng Thủy văn quốc gia, thời tiết những ngày tới tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ): Vào ngày 9.3 (Âm lịch) thời tiết có mây, trời nắng, nhiệt độ từ 26-31 độ C. Ngày 10.3 (Âm lịch), có thể xuất hiện mưa, nhiệt độ từ 22-25 độ C. T.VƯƠNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn