MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu nhà ở xã hội của người lao động, người thu nhập thấp vẫn rất cao. Ảnh: Hải Nguyễn

Lệch pha cung cầu tạo nên “cơn khát” nhà ở xã hội

VƯƠNG TRẦN - ANH HUY LDO | 31/05/2023 17:15

Hiện nay, thị trường nhà ở xã hội đang lệch pha cung cầu, nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung chỉ “nhỏ giọt”. Điều này tạo nên "cơn khát" về nhà ở xã hội chưa được giải quyết.

Chủ đầu không mặn mà, nguồn cung nhỏ giọt

Nhà ở xã hội (NƠXH) là một chính sách quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động, người có thu nhập thấp và những người khó khăn trong việc sở hữu nhà ở. 

Một trong những chính sách đáng chú ý là việc xây dựng và phát triển các dự án nhà ở xã hội trên khắp đất nước. Những dự án này không chỉ mang lại mái ấm cho người dân mà còn tạo ra cơ sở hạ tầng văn minh, an ninh, và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Thế nhưng, theo ghi nhận của Lao Động, tại một số dự án NƠXH đang triển khai, một số đối tượng cò mồi, trung gian, sàn bất động sản lại lợi dụng sự khan hiếm của NƠXH để bán kiếm tiền chênh lệch từ người lao động. Điều này khiến cho chính sách nhân văn về NƠXH có lúc bị méo mó.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội. Ảnh: T.Vương

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - nhìn nhận, NƠXH hiện nay rất khan hiếm do nhiều nguyên nhân. Do vậy, những người trong chính sách được mua rất khó tiếp cận. Điều này tạo “mảnh đất” cho trung gian, cò mồi hoạt động, đẩy chi phí lên cao hơn, gia tăng áp lực tới người lao động.

Ông Điệp phân tích, hiện nay NƠXH đang lệch pha cung cầu, nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung chỉ “nhỏ giọt”. Trên cả nước cần tới hàng triệu căn NƠXH nhưng nguồn cung hàng thì rất nhỏ. 

“Ngay cả như Hà Nội, Đà Nẵng hay các địa phương khác chỉ vài nghìn căn thôi. Chính vì lẽ đó dẫn tới hiện tượng người dân phải xếp hàng từ nửa đêm, thậm chí là 1 đấu 10 - rất khó khăn trong việc có suất mua NƠXH” - ông Điệp nói.

Do đó, theo ông Điệp, phải có những giải pháp căn cơ, dài hạn trong phát triển NƠXH. Trước mắt, trong đó, về công tác quản lý, cần phải phân loại đối tượng ưu tiên được mua NƠXH. Tiếp đến là cần phải nâng cao trách nhiệm của các cấp quản lý, chủ đầu tư, tránh tình trạng trung gian, cò mồi lộng hành.

Giải "cơn khát" nhà ở xã hội

Về lâu dài, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là phải đảm bảo nguồn cung. Phải tạo được động lực để doanh nghiệp tham gia xây dựng NƠXH nhiều.

Một số vướng mắc, thủ tục lòng vòng hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư xây dựng NƠXH.

Ông cho rằng cần những cơ chế khác như đặt hàng - đây là một mô hình cần nghiên cứu, ở nhiều nước đã triển khai. 

Hoặc vận hành NƠXH theo cơ chế thị trường. Ví dụ như Hà Nội và TPHCM trong giai đoạn này trên dưới 20 triệu/m2 được coi là NƠXH để phát triển mạnh hơn nữa và có động lực phát triển.

“Vận hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp chủ động chiến lược phát triển, giá bán và đối tượng mua. Doanh nghiệp chủ động từ khi xây dựng đến khi bán hàng, giảm các khâu trung gian, trách nhiệm của doanh nghiệp cao hơn”- ông Điệp đề xuất và cho rằng, mấu chốt là “cung phải gặp cầu”. 

Dự án nhà ở xã hội THT NewCity ở Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Anh Huy

Tại tọa đàm “Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội”, ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) – đưa ra 3 góp ý để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng.

Thứ nhất, trình tự thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội phải rút ngắn lại. Trường hợp có đầu thầu lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội thì cần có quy định riêng, chứ hiện nay là mất 2 năm. Như vậy là quá dài cho một thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.

Thứ hai, cần phải rà soát, bãi bỏ những quy định thủ tục hành chính không cần thiết, đối với triển khai dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng, cái gì không nhất thiết phải có thì bỏ ngay.

Thứ ba, liên quan đến trình tự triển khai dự án nhà ở thì trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp gặp khó khăn về diện tích đất công nằm xen kẹt dạng "xôi đỗ" trong phạm vi ranh giới dự án nhà ở, nhà ở xã hội.

Đất công nằm trong phạm vi ranh giới rất khó để thu hồi, giao đất, nghĩa là thủ tục giải phóng mặt bằng cần có quy định giải quyết cụ thể để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn