MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng san lấp mặt bằng khu vực xóm Tàu tiếp tục tái diễn. Ảnh: PHAN TUẤN

Lén lút khoét đồi, san lấp mặt bằng trái phép vào ban đêm ở Đắk Nông

Phan Tuấn LDO | 09/03/2023 13:00

Khoảng 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) liên tục xảy ra trình trạng san lấp mặt bằng trái phép. Điều đáng nói, các đối tượng thường lợi dụng vào lúc nửa đêm, cuối tuần để thực hiện. 

Đào núi lấp sình, mua bán đất bằng giấy viết tay

Có mặt tại khu vực xóm Tàu, thuộc bon N’ting, xã Quảng Sơn, chúng tôi ghi nhận có nhiều đống đất mới đổ. Việc đổ đất này nhằm mục đích lấp đầy khu vực sình lầy, ẩm thấp.

Một số người dân địa phương cho biết, những đống đất vừa được đổ vào bãi sình lầy được múc ra từ một quả đồi gần đó. Hoạt động san lấp mặt bằng chủ yếu diễn ra vào ban đêm.

“Một tuần trước, khu vực này vẫn còn thấp hơn mặt đường cả mét. Nhưng mỗi ngày, họ đổ một ít đất, nên đến nay đã bằng phẳng so với mặt đường” - một người dân cho hay.

Theo người dân ở khu vực xóm Tàu, thời điểm “sốt đất” năm 2020 và 2021, tại đây hình thành một "dự án" bất động sản tự phát rộng nhiều hécta.

Điều đáng nói, đất ở khu vực này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, nhiều đối tượng vẫn phân lô và rao bán với giá dao động từ 40 - 60 triệu đồng mỗi mét ngang mặt đường. 

Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, việc mua bán đất đã bị hạn chế. Tuy nhiên, hiện tượng sang nhượng đất bằng giấy viết tay vẫn đang tồn tại ở "dự án" này.

Lực lượng địa phương mỏng

Tìm hiểu thực tế tại khu vực này cho thấy, ở khu vực xóm Tàu có một quả đồi lớn đã bị đục khoét, múc đất. Vào ban ngày, máy móc, xe chở đất hầu như không xuất hiện. Vào ban đêm, các đối tượng mới tiến hành đục khoét, múc đất để san lấp mặt bằng tại khu vực xóm Tàu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đình Tuấn - Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn - cho biết, tình trạng san lấp mặt bằng khu vực xóm Tàu vừa mới tiếp tục tái diễn khoảng 10 ngày nay. 

Hiện nay, UBND xã Quảng Sơn đã phát hiện sự việc. Về phía chính quyền địa phương đã phân công cán bộ xác minh, nắm bắt tình hình để có phương án xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn

Lý giải đối với việc này, ông Tuấn cho biết thêm, mặc dù địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, khi có cán bộ ra khỏi xã là lập tức có người báo cho các đối tượng điều khiển máy móc di chuyển đi chỗ khác. Đến lúc hoạt động lại, thường 1-3h sáng thì lén lút hoạt động trở lại. 

Cũng theo ông Tuấn, khó khăn lớn nhất của địa phương là lực lượng rất mỏng, vì xã hiện chỉ có 1 công chức địa chính chính thức và 1 địa chính điều động ở xã khác về nhưng cũng sắp hết thời hạn. Đối với địa bàn rộng như xã Quảng Sơn thì cần phải có 3 cán bộ địa chính thì mới bảo đảm điều kiện làm việc. 

Mặt khác, thẩm quyền của UBND cấp xã còn hạn chế. Thế nên, dù có phát hiện, bắt quả tang xe chở đất đang lưu thông trên đường thì vẫn không đủ thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

"Để hạn chế tình trạng san lấp mặt bằng trái phép, kiểm soát hoạt động vận tải chở đất, chúng tôi đã kiến nghị huyện và tỉnh sớm cấp phép hoặc cho đấu thầu các mỏ đất trên địa bàn để địa phương có cơ sở quản lý. Bởi hiện nay, nhu cầu san lấp mặt bằng của người dân là rất lớn” - ông Tuấn cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn