MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trước khi bị chặt hạ, cây sưa đỏ đã từng có người trả giá hàng trăm tỉ đồng. Ảnh PV.

Lí do bất ngờ khiến phiên đấu giá cây gỗ sưa trăm tỉ bị hủy bỏ

Long Nguyễn - Trần Khanh LDO | 06/07/2019 06:25

Theo kế hoạch, ngày 4.7 vừa qua tại UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sẽ diễn ra phiên đấu giá hai cây gỗ sưa đỏ có tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, đến gần thời điểm diễn ra đấu giá, một số bất đồng đã khiến buổi đấu giá phải tạm dừng.

Dân làng hồi hộp 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính) cho biết: “Khách đã tìm hiểu hỏi mua từ nhiều năm nay, chủ yếu là người Trung Quốc. Trước đây, chúng tôi thống nhất tính bán theo phương án đo thể tích cây, tính từ thân lõi ra ngoài. Tuy nhiên, sau đó cách bán lại thay đổi sang cân khối lượng, bao gồm cả vỏ cây khiến trọng lượng thực tế nặng hơn.

Do đó, dẫn đến bất đồng trong việc mua bán, hơn nữa với số tiền rất lớn nên khách hàng cũng phải nghe ngóng, nâng lên đặt xuống cẩn thận”.

Quang cảnh ngổn ngang của ngôi Đình làng Phụ Chính, vị trí 2 cây sưa quý sau khi bị chặt hạ. Ảnh PV. 

Ông Tuyến cho biết thêm, từ tháng 6.2019, việc bán đấu giá cây sưa đỏ được người dân thôn Phụ Chính phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội). Chính quyền địa phương và người dân rất mong số tiền dự tính cả trăm tỉ đồng từ việc bán cây sẽ góp phần xây dựng địa phương một cách hiệu quả nhất.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ xem xét tính toán lại cách bán, có thể công tác tiếp thị như hiện nay chưa được tốt, cần phải nghiên cứu thêm. Hiện tại, phía Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thông báo chưa có cá nhân, tổ chức nào tiến hành đặt cọc tiền để đấu giá mua gỗ sưa. Vì vậy, buổi bán đấu giá sẽ được tổ chức vào thời gian khác thích hợp hơn” - ông Tuyến chia sẻ.

Chiếc container sau đó được niêm phong, khóa 4 ổ khóa và hàn 2 thanh sắt chắn ngang 2 cửa. Bên ngoài thùng Container được vây tứ phía bởi một rào thép B40 cao 2m. Ảnh PV. 

Theo tìm hiểu của PV, tổng số gỗ thu được từ việc chặt hạ 2 cây sưa đỏ là khoảng hơn 5 tấn. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, riêng phần thân cây được thương lái thu mua với giá 15-30 triệu đồng/kg và phần rễ khoảng hơn 6 triệu đồng/kg, thì số tiền thu được từ việc bán cây có thể lên đến hơn 100 tỉ đồng.

Nguy hiểm rình rập

Trước đó, vào tháng 1.2019, do lo sợ kẻ gian cưa trộm cây sưa quý hiếm, với việc thân cây có dấu hiệu bị sâu một phần nên người dân thôn cùng các ban ngành chức năng địa phương đã tiến hành chặt hạ 2 cây sưa đỏ 130 tuổi và 50 tuổi trong khuôn viên đình làng Phụ Chính. 

Sau đó, đến tháng 10.2018, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, tránh thất thoát ngân sách địa phương nên UBND thành phố Hà Nội ra văn bản yêu cầu các Ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.

Hiện tại, toàn bộ số gỗ sưa được người dân cất giữ trong thùng xe container 20 ft và được khóa cẩn thận, quấn lưới B40 bảo vệ xung quanh. Ngoài ra, an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt, gỗ sưa đang được đặt tại nhà văn hóa thôn đợi ngày bán đấu giá.

2 chiếc camera góc rộng được bố trí trên cao, gắn bên ngoài tầng 2 của nhà văn hóa thôn để đảm bảo việc bao quát khuôn viên và tránh kẻ trộm dễ dàng phá hỏng. Ảnh PV. 

Theo ghi nhận của PV, chiếc container lưu giữ gỗ sưa được khóa cẩn thận bằng 4 ổ khóa, chìa khóa được giao cho 4 người uy tín trong thôn cất giữ, nếu muốn mở cửa thì phải có sự thống nhất của họ. Hai thanh sắt hàn ngang cửa thùng để khi kẻ gian muốn trộm phải dùng máy cưa, như vậy sẽ tạo ra tiếng động lớn khi có ngoại lực tác động.

Bên cạnh đó, dân làng Phụ Chính cùng chính quyền xã tiếp tục chọn 3 công an xã là người của thôn và một người chuyên trông coi nhà văn hóa để cắt cử nhau bảo vệ container chứa gỗ sưa cả ngày lẫn đêm. Để công tác an ninh được thắt chặt, thôn còn đầu tư tiền lắp đặt cả hệ thống camera giám sát 24/24h.

Một người dân trong thôn Phụ Chính cho hay, ở thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỉ đồng nhưng hiện nay, thân cây bị sâu ăn một phần nên giá bán thấp hơn trước. Số tiền bán cây sưa sẽ được phục vụ các công trình phúc lợi, trùng tu các di tích tại địa phương. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn