MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe đạp công cộng đang nhận được sự ủng hộ của người dân, du khách. Ảnh: Thế Kỷ

Lí do trạm xe đạp công cộng ở Hà Nội nơi thiếu, nơi thừa xe

Tô Thế LDO | 25/10/2023 16:32

Dự án thí điểm xe đạp công cộng ở Hà Nội đang nhận được sự ủng hộ của người dân và du khách. Tuy nhiên, thời gian qua xuất hiện tình trạng có trạm luôn rất ít xe, thậm chí là không có xe.

Từ ngày 24.8.2023, dịch vụ xe đạp công cộng đã chính thức được ra mắt tại thành phố Hà Nội. Trong giai đoạn đầu, dự án đưa 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp điện trợ lực vào vận hành tại 79 trạm, trên địa bàn 6 quận trung tâm là Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.

Với giá thuê được đánh giá tương đối hợp lý, dịch vụ này đang được người dân và du khách ủng hộ lựa chọn.

Trong đó, các trạm xe tập trung ở khu vực gần ga tàu điện, khu vui chơi, du lịch như Hồ Tây, Hồ Gươm... luôn trong tình trạng "cháy hàng".

Đáng chú ý, sau khi sử dụng xong, khách hàng có thể đem trả xe tại một trạm xe bất kỳ và tiến hành thanh toán. Từ đây dẫn tới tình trạng có trạm thiếu xe, có trạm thừa xe.

Trạm xe tại ga Cát Linh luôn trong tình trạng thiếu xe do nhu cầu sử dụng cao. Ảnh: Thế Kỷ

Ghi nhận của PV Báo Lao Động vào trưa ngày 24.10, tại trạm xe dưới nhà ga Thái Hà, Ga Cát Linh của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mặc dù lượng khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao nhưng nhiều thời điểm, trạm không có xe, hoặc chỉ lác đác 1, 2 chiếc.

"Sáng tới giờ có mỗi chiếc này thôi, thấy một số đoàn khách đến định đi xong lại thôi vì không đủ xe" - một tài xế xe ôm công nghệ gần ga Cát Linh cho hay.

Liên quan đến vấn đề một số trạm luôn trong tình trạng thiếu xe, có trạm lại thừa xe, đại diện chủ đầu tư cho hay, hằng ngày, đơn vị sẽ có bộ phận theo dõi, điều phối xe tại các trạm, tuy nhiên vì một số lí do khách quan nên việc vận chuyển xe đến các trạm bị chậm so với dự kiến.

"Bộ phận này hoạt động 24/24h nên khi phát hiện có sự chênh lệch xe giữa các trạm sẽ tiến hành vận chuyển điều phối sao cho hợp lý. Tuy nhiên giao thông ở Hà Nội nhiều thời điểm xảy ra ùn ứ, các xe vận chuyển gặp khó khăn khi di chuyển giữa các trạm nên sẽ bị chậm hơn dự kiến.

Chúng tôi sẽ khắc phục tình trạng này để đáp ứng nhu cầu của hành khách" - ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc dự án xe đạp công cộng tại Việt Nam, Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư - PV).

Bộ phận điều phối xe làm việc 24/24h. Ảnh: Trí Nam

Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng để hỗ trợ các loại hình vận tải hành khách công cộng khác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường và bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt, tàu điện, các điểm vui chơi, du lịch... thuận tiện.

Tuy nhiên, đơn vị triển khai dự án cần thường xuyên nắm bắt tình hình, khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại để người dân thuận tiện trong việc tiếp cận dịch vụ, ưu tiên sử dụng khi có nhu cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn