MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh tham gia trải nghiệm hoạt động ngoại khoá tại Sóc Sơn. Ảnh: Khánh An

Liên tiếp học sinh đi dã ngoại tử vong, làm sao để đừng lặp lại?

KHÁNH AN LDO | 01/06/2023 13:00

Sau vụ việc thương tâm vừa xảy ra khiến 1 học sinh và 1 phụ huynh ở Hà Nội tử vong khi trải nghiệm bắt ngao tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định), Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khuyến cáo, để hoạt động ngoại khóa của học sinh đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn, nhà trường cần lên kế hoạch chi tiết như soạn giáo án.

Lên kế hoạch như soạn giáo án

Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ việc đáng tiếc trong thời gian học sinh tham gia các hoạt động ngoại khoá, dã ngoại. 

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, dã ngoại là một hình thức tham quan, nghiên cứu, là một hoạt động học tập. Để các hoạt động ngoại khoá, dã ngoại đạt hiệu quả cao, có 2 yếu tố mà nhà trường cần đặc biệt lưu tâm, đó là: Sự an toàn của học sinh, những kiến thức học sinh nhận được.

Để làm được điều này, người viết chương trình dã ngoại cần lên kế hoạch tổ chức chi tiết. Việc chọn địa điểm dã ngoại cần được cân nhắc kĩ lưỡng và có một buổi hướng dẫn cho học sinh trước chuyến đi. 

“Đi dã ngoại không khác gì tổ chức một giờ lên lớp. Trước khi lên lớp giáo viên cần soạn giáo án, thì trước khi đi dã ngoại cũng vậy. Mọi chuyến dã ngoại đều cần có mục tiêu, như học sinh đi để hiểu về sản xuất địa phương, hiểu về những công nghệ mới đưa vào nông nghiệp, thanh niên nông thôn khởi nghiệp ra sao... 

Dã ngoại cần dựa trên một chương trình chặt chẽ, đi để làm gì, đi đâu, học cái gì, nghiên cứu cái gì, tổ chức ra sao, đảm bảo an ninh cho học sinh như thế nào và cần có hợp đồng với nơi tổ chức một cách cẩn thận. Một chương trình dã ngoại cần đi theo lớp, theo khối chứ không thể đi cả trường” - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu quan điểm. 

Giáo viên đi tiền trạm để đảm bảo an toàn cho học sinh

Cô K.L - Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn Đống Đa, Hà Nội cho biết, thông thường sau khi lên nội dung chương trình, trường sẽ trình xin phê duyệt kế hoạch tổ chức lên phòng giáo dục, sau đó liên hệ với công ty du lịch để giúp liên hệ địa điểm, chuẩn bị xe...  

Trước khi đưa học sinh đến địa điểm dã ngoại, các giáo viên trong trường đều có một buổi đi tiền trạm, trải nghiệm hết các hoạt động mà học sinh dự kiến được tham gia để đánh giá về mức độ an toàn.

Kết thúc mỗi chuyến đi, học sinh sẽ được hỏi về cảm xúc và những kiến thức đã học được. 

“Trẻ con thường xuyên phải học tập trong môi trường chật chội, nên việc cho các con có môi trường chạy nhảy, khám phá môi trường mới là điều vô cùng quan trọng” - cô K.L nói. 

Tương tự, cô N.N - Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Tây Hồ cho biết, mỗi năm nhà trường sẽ tổ chức từ 1-2 buổi dã ngoại. 

Thông thường, nhà trường chọn các địa điểm mà học sinh khoá trước đã từng đi. Trong trường hợp công ty du lịch giới thiệu một vài địa điểm mới, giáo viên nhà trường sẽ đi tiền trạm.

Kế hoạch các buổi dã ngoại thường tương ứng với từng khối. Mỗi khối sẽ có khoảng 300 học sinh tham gia (trong đó 40 học sinh của 1 lớp sẽ được 1 giáo viên chủ nhiệm, 1 hướng dẫn viên, và khoảng 3-10 phụ huynh phụ trách). Nhà trường luôn khuyến khích phụ huynh đi cùng các học sinh. 

“Yếu tố an toàn cho học sinh được chúng tôi đặt lên hàng đầu, bên cạnh việc giáo dục kĩ năng cho học sinh. Trường yêu cầu các lớp tuyệt đối không tự tổ chức các buổi dã ngoại” - nữ Hiệu trưởng nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn