MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường hố công trình khiến 1 học sinh 8 tuổi ở thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng tử vong ngày 15.3.2017. Ảnh: P.V

Liên tiếp tai nạn thương tâm từ các hố "tử thần" ở các công trình: Trách nhiệm thuộc về ai?

N.D-A.L LDO | 30/09/2017 06:18
Chưa có con số thống kê chính thức nhưng hàng năm có tới hàng chục tai nạn thương tâm dẫn đến tử vong ở các hố công trình dang dở. Người chết thiệt mạng vẫn không quy được trách nhiệm. Phải làm gì để ngăn chặn những tình huống đau thương này ở các công trình xây dựng?

Hố tử thần

Theo báo cáo của UBND xã Thiện Tân, sự việc xảy ra vào lúc 18h30 ngày 27.9, công an xã Thiện Tân nhận được tin báo của bảo vệ Cty Minh Thành tại ấp Ông Hường, xã Thiện Tân có một bé trai nhỏ tuổi đi học về bị nước cuốn trôi xuống mương thoát nước trước Cty Minh Thành. Công an xã đã ngay lập tức tới hiện trường, xác định, vào lúc 17h20 phút, bé Nguyễn Tấn Trường (SN 2006) học sinh lớp 4 trường Chu Văn An, xã Thạnh Phú trên đường đi học về đến mương thoát nước trước Cty Minh Thành trượt ngã xuống mương bị nước cuốn trôi. Theo người dân kể lại, trên đường đi học về, Trường bị rơi chiếc dép nên xuống nhặt và đến đoạn cống đang thi công chưa có nắp đậy thì bất ngờ bị nước cuốn trôi.

Trước đó ít hôm, vào lúc 17h35 ngày 23.9, tại quốc lộ 18, thuộc địa phận phường Phương Đông, TP.Uông Bí (Quảng Ninh) đã xảy ra vụ việc hai anh em rơi xuống hố công trình tử vong. Theo thông tin từ lãnh đạo phường Phương Đông thì công trình này gần chùa Trình thuộc phường Phương Đông. Nạn nhân là hai anh em ruột tên N.Đ.T (SN 2011) và N.Đ.K (SN 2013), đều trú tại phường.

“Do vào ngày nghỉ, hai cháu nhỏ ra trước cửa nhà chơi và bị rơi xuống hố công trình đang thi công, cải tạo quốc lộ 18 khiến cả hai đều tử vong”, ông Mai Văn Dự - Chủ tịch UBND phường Phương Đông - cho hay. Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh và TP.Uông Bí đã có mặt tại hiện trường điều tra nguyên nhân.

Chiều ngày 21.9, ông Lê Huy Dương - Chủ tịch UBND xã Nguyên Bình - xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 1 học sinh lớp 7 và 1 học sinh lớp 8 trường THCS Đào Duy Từ tử vong. Đây là hố công trình từ việc khai thác đất san lấp mặt bằng khu tái định cư để lại. Bình thường, những hố này không có nước, tuy nhiên, trời mới mưa, nước đục nên các cháu không biết.

Theo một người dân gần hiện trường kể lại, vào khoảng 8 giờ có khoảng 20 em học sinh đến công trình dạo chơi, một số em đi xuống hố công trình chơi đùa thì bất ngờ có hai em bị hụt chân, chìm xuống nước dẫn đến tử vong.

Không chỉ trẻ em, ngày 12.5, tại Bình Dương, một người đàn ông 60 tuổi được phát hiện tử vong dưới hố công trình sâu 2m ở Bình Dương. Trên thân thể nạn nhân là chiếc xe máy.

Đó chỉ là một số vụ điển hình mà chúng tôi ghi nhận được. Vậy đã ai cảnh báo cho các em, và điều quan trọng là chưa thấy vụ việc nào mà nhà thầu hoặc đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.

Cần khởi tố hình sự để răn đe

Trao đổi với Lao Động, Nguyễn Kiều Hưng - Điều hành Hãng luật Giải phóng, Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng: “Rất nhiều năm, tình trạng thi công ẩu, không rào chắn, không có biện pháp bảo vệ an toàn lao động tại các công trình giao thông đã gây ra nhiều vụ tai nạn rất nghiêm trọng. Tình trạng này, nếu không có biện pháp, mà cụ thể là truy cứu trách nhiệm của đơn vị thi công, quản lý công trình thì có lẽ sẽ không có hồi kết. Hành vi “thi công ẩu”, trong trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, có dấu hiệu hình sự của nhiều hành vi và nhiều đối tượng có thể bị truy cứu.

Nếu vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thì có thể bị truy cứu theo điều 227 Bộ luật Hình sự - Tội “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”.

Nếu vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác thì có thể bị truy cứu theo điều 229 Bộ luật Hình sự về Tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, người đứng đầu và những người trực tiếp các công trình giao thông của đơn vị gây ra hậu quả nghiêm trọng còn bị xem xét truy cứu trách nhiệm về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ luật Hình sự.

Quy định pháp luật khá rõ ràng như vậy, tuy nhiên trên thực tế, khi xảy ra hậu quả, như gây chết người trong lĩnh vực thi công công trình giao thông, rất hiếm khi vụ án được khởi tố và truy cứu trách nhiệm những người liên quan. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc đùn đẩy trách nhiệm, và người bị hại không quyết liệt trong việc tố cáo để yêu cầu xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Họ thường thỏa hiệp bằng các khoản bồi thường và thường xem đó là “rủi ro” phải gánh chịu”.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc xử lý hình sự các hành vi liên quan đến thi công, an toàn lao động trong lĩnh vực giao thông để góp phần phòng ngừa và hạn chế các vụ tai nạn nghiêm trọng như đã từng xảy ra.

Vụ bé trai bị nước cuốn trôi xuống cống mất tích tại Đồng Nai: Huyện sẽ làm việc với các Cty để xử lý

Chiều ngày 28.9, trao đổi với báo Lao Động, ông Thái Mã Thành - Chủ tịch xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai - cho biết: Khu vực xảy ra sự việc bé trai bị nước cuốn trôi tại ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai thuộc tuyến đường do Ban quản lý Dự án huyện làm chủ đầu tư đang chuẩn bị xây dựng dự án đường D1 cụm công nghiệp Thiện Tân - Thạnh Phú. MINH CHÂU

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn