MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sức khoẻ của anh Th đã dần ổn định sau 3 ngày điều trị vì bị ong đốt. Ảnh: Thanh Thanh

Liên tiếp xảy ra các trường hợp bị ong đốt phải nhập viện ở Đồng Tháp

Thanh Thanh​​​​​​​ LDO | 07/10/2023 18:40

Ngày 7.10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, những ngày gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca nhập viện do bị ong đốt.

Theo thống kê, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã tiếp nhận và điều trị cho 20 bệnh nhân bị ong đốt. Chỉ tính riêng từ ngày 1.10 đến ngày 5.10, đã tiếp nhận 5 ca do ong đốt. Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.

Theo các bác sĩ, khi bị ong đốt nếu không kịp thời xử trí sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Ông H.A.T (53 tuổi, ngụ xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc) nhập viện vào ngày 5.10.2023 trong tình trạng nôn ói, mệt, mạch nhẹ, khó đo.

Ông T cho biết, ông bị ong đốt 4 vết ở tai và phần hông khi đi ra vườn hái cà na. Chỉ sau vài giờ bị ong đốt, cơ thể ông có nhiều triệu chứng lạ nên gia đình đã đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Sa Đéc. Hiện tại, ông T vẫn đang nằm ở phòng hồi sức để điều trị.

Tương tự, anh T.V.Th (30 tuổi, ngụ xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cũng vừa nhập viện cách đây 3 ngày do bị ong đốt nhiều nơi trên cơ thể.

“Hôm đó, cả đoàn đi trồng hoa. Khi phát cỏ thì không thấy ong, đến khi đào đất trồng, ong bắt đầu túa ra rồi đuổi theo đốt. Gần như cả đoàn ai cũng bị ong đốt 1 - 2 vết, tôi bị nặng nhất đến 7 - 8 vết” - anh Th kể.

Cũng theo anh Th, loại ong đốt anh và những người khác to cỡ ngón tay, trông giống như ong rừng, trước giờ cũng chưa từng bị loại ong này đốt bao giờ.

Sau khi được đưa vào phòng hồi sức chống độc của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc điều trị, sức khoẻ của anh Th đã cơ bản ổn định và đang tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.

Theo các bác sĩ CK1 Hà Minh Quí - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, khi bị ong đốt, nạn nhân cần lập tức nhổ ngay kim chích (nếu có) bằng cách dùng nhíp gắp ra hoặc khều nhẹ. Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy kim vì sẽ tạo điều kiện cho nọc độc lan tỏa và thấm sâu hơn vào cơ thể. Nạn nhân cần nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan sang nơi khác. Rửa sạch những chỗ có vết đốt bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15 - 20 phút để làm giảm đau.

Bác sĩ Hà Minh Quí khuyến cáo: Cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu sau: bị nhiều vết đốt; bị đốt vào những vùng đầu, mặt, cổ kèm theo những dấu hiệu phù nề lan nhanh; bệnh nhân có dấu hiệu sốt, khó thở, mệt mỏi, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu có màu đỏ như máu, đỏ da toàn thân, cảm giác choáng váng chóng mặt.

“Ong đốt có các nguy hiểm như sốc phản vệ làm bệnh nhân choáng váng, chóng mặt, tụt huyết áp, có khi huyết áp không đo được. Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Biến chứng thứ 2 là bệnh nhân bị suy thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu, suy hô hấp cấp do phù phổi cấp” - bác sĩ Hà Minh Quí thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn