MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Liên tiếp xảy ra chết đuối: Những khuyến cáo để bơi ao hồ, tắm biển an toàn

PHẠM DUY LDO | 02/05/2022 19:02

Bình Thuận – Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, tại Bình Thuận liên tiếp xảy ra nhiều vụ chết đuối thương tâm mà nạn nhân là trẻ nhỏ. Các vụ chết đuối này xảy ra tại kênh, sông, ao nước và cả hồ bơi là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh trong việc trông coi, quản lý con em và giáo dục các kỹ năng cần thiết.

Liên tiếp xảy ra chết đuối với trẻ nhỏ

Trong cùng chiều ngày 1.5, tại Bình Thuận đã xảy ra 2 vụ chết đuối. Vụ đầu tiên tại kênh thoát lũ ở TP.Phan Thiết khi nhóm 8 học sinh lớp 7 rủ nhau ra bờ kênh chơi và 3 em bị đuối nước; 2 em được cứu lên bờ an toàn, 1 em còn lại hiện vẫn đang mất tích.

Hiện trường tìm kiếm nam sinh lớp 7 mất tích dưới kênh. Ảnh: DT

Trong chiều cùng ngày, tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), 2 em nhỏ sinh năm 2016 và 2017 bị lọt xuống ao chứa nước tưới thanh long ở gần nhà, tử vong.

Hay vụ việc gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây là bé trai 11 tuổi, quốc tịch Nhật Bản gặp nạn khi bơi tại hồ bơi trong một resort ở Mũi Né, TP.Phan Thiết và tử vong vào ngày 5.4. Và còn nhiều vụ đuối nước khác ở trẻ nhỏ xảy ra trước đó.

Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra bất cứ địa bàn nào

Thực tế cho thấy, tai nạn do đuối nước có thể xảy ra bất cứ địa bàn nào, thành thị hay nông thôn và ở mọi địa hình như ao hồ, kênh mương cho đến sông suối, hồ bơi, bãi biển,…

Trong đó, không ít vụ xảy ra chính từ sự chủ quan của trẻ em lẫn sự thiếu quan tâm của người lớn. Tai nạn đuối nước thường xảy ra khi trẻ không biết bơi, trượt té xuống các ao, kênh rạch ở vùng quê. Hoặc có nhiều trẻ tự ý đi bơi ở ao, kênh, sông mà gia đình không quản lý được.

Không chủ quan khi bơi tại các hồ bơi

Tại các hồ bơi công cộng, dù có cứu hộ nhưng nếu số lượng người đông thì không thể nào quan sát hết, nhiều trường hợp đi bơi có người nhà bên cạnh nhưng chỉ cần sơ suất không để ý khoảng vài phút, quay lại thì trẻ đã bị đuối nước. Vì vậy các phụ huynh nên chú ý quan sát hoặc không cho trẻ xuống hồ bơi một mình.

Du khách bơi trong hồ bơi ở resort luôn có nhân viên cứu hộ túc trực. Ảnh: DT

Theo huấn luyện viên bơi lội Đặng Quốc Khôi (Bình Thuận), khi bơi ở hồ bơi, cần mặc đúng trang phục bơi và khởi động 10 – 15 phút để làm ấm cơ thể trước khi xuống nước. Cần quan sát thước đo độ sâu. Nếu chưa biết bơi thì phải có áo phao và chỉ tắm ở những nơi mực nước cạn, không được bơi ra độ sâu vượt ngưỡng cho phép.

Nhân viên cứu hộ tại bờ biển ở resort luôn có canô sẵn sàng ứng cứu các tình huống. Ảnh: DT

Để phòng ngừa tai nạn đuối nước, đặc biệt là với trẻ em, ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm, bơi lội tại các sông, hồ. Đồng thời trang bị cho trẻ được biết về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi này để nâng cao tính cảnh giác. 

Cần làm gì để đảm bảo an toàn khi tắm biển?

Việc tắm, bơi ở biển có nhiều vấn đề cần lưu ý để đảm bảo an toàn. Bởi tắm ở biển có sóng, đá ngầm, dòng nước xoáy,…

Để đảm bảo an toàn khi tắm biển, ngoài khuyến cáo nên tắm ở những nơi đông người thì huấn luyện viên bơi lội Đặng Quốc Khôi còn khuyến cáo người dân không xuống tắm biển khi đã uống rượu bia. Những người không biết bơi và trẻ em dưới 13 tuổi tắm biển cần sử dụng các loại phao và phải có người trông coi, tắm cùng. Với du khách từ xa đến, nên hỏi các nhân viên cứu hộ bờ biển để được hướng dẫn vị trí tắm an toàn, tránh gặp các vũng xoáy. Khi nhân viên cứu hộ phát tín hiệu cảnh báo cần phải tuân thủ theo.

Cách xử lý khi gặp dòng nước Rip

Trường hợp gặp dòng nước Rip (dòng nước chảy mạnh từ bờ ra biển) thì cần phải bình tĩnh, phát tín hiệu cầu cứu. Nếu bị cuốn vào dòng chảy thì tuyệt đối không được vùng vẫy vì sẽ mất sức hơn, hãy bơi song song với bờ biển. Đối với người bơi yếu, cố gắng thả nổi hoặc bơi đứng để giữ sức, đồng thời giơ tay ra tín hiệu cầu cứu.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn