MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Liên tiếp xuất hiện chùm ca bệnh nhiễm chất kịch độc Botulinum

NGUYỄN LY LDO | 20/05/2023 16:16

TP Hồ Chí Minh - Chỉ trong vòng 2 ngày, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh liên tiếp phát hiện những chùm bệnh nhân ngộ độc botulinum. Đây là chất kịch độc và phải có huyết thanh kháng độc nhưng loại thuốc này vô cùng hiếm và đắt đỏ.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, trong hai ngày gần đây, bệnh viện đã cùng Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hội chẩn và phát hiện thêm 3 trường hợp nghi ngờ ngộ độc botulinum

Đây là 3 trường hợp nối tiếp chùm ca bệnh trước đó là 3 anh em ruột ăn giò chả và bị trúng kịch độc botulinum này. Cụ thể, nhóm 3 bệnh nhân người lớn mới đây nằm ở 3 bệnh viện nêu trên, nhưng sau khi hội chẩn các bệnh nhân đều được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

  Bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: NGUYỄN LY 

Bệnh nhân 18 tuổi và bệnh nhân 26 tuổi là hai anh em ruột, bệnh nhân thứ ba 45 tuổi cùng ngụ tại TP Thủ Đức. Ngày 13.5, hai anh em ruột ăn chả lụa của người bán dạo, còn bệnh nhân 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày. Đến ngày 14.5, cả ba bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, đau đầu, choáng váng và có đau bụng biểu hiện tiêu chảy.

Ngày 15.5, bệnh nhân bắt đầu nhìn đôi, khó nuốt nên được chuyển đi cấp cứu. Sau khi hội chẩn với các bệnh viện và kết quả xét nghiệm cho thấy, 90% bệnh nhân bị ngộ độc botulinum và có nguồn gốc từ thức ăn. 

Bác sĩ Hùng cũng thông tin thêm, hiện nay, bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi phải thở máy liệt cơ, sức chỉ còn 1/5. Còn bệnh nhân 26 tuổi tiên lượng phải thở máy trong vài ngày tới. 

Liên quan đến thuốc giải độc BAT hiếm, các bác sĩ lo ngại về tình trạng thiếu thuốc điều trị giải ngộ độc botulinum hiện nay. 

“Một trường hợp mà có ngộ độc botulinum sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy.

Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày tức rất là sớm sau khi ngộ độc, thì trong khoảng thời gian trung bình khoảng từ 5 đến 7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.

Tuy nhiên, trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT thì chúng ta phải có điều trị hỗ trợ mà thôi” - bác sĩ Hùng nhấn mạnh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn