MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phía sau thân đập thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Thanh Hải

Liên tục xảy ra động đất ở Quảng Nam, Kon Tum khiến người dân lo lắng

Thanh Hải LDO | 08/06/2021 15:28

Liên tiếp xảy ra 6 trận động đất khu vực Bắc Trà My, Quảng Nam và Kon Plông, Kon Tum trong 8 ngày qua. Tuy động đất chưa gây hại, với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, nhưng về lâu dài có nguy cơ gây sạt lở núi...

Theo ghi nhận của Viện Vật lý Địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thêm một vụ động đất mới xảy ra lúc 10h24 sáng nay - 8.6.2021 (giờ Hà Nội) với độ lớn 2.5 độ richter tại vị trí có tọa độ (14.812 độ vĩ Bắc, 108.335 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.6km, thuộc khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trước đó, trong 2 ngày 1 và 3.6, cũng đã xảy ra 2 vụ động đất với cường độ 2,8 và 3.0 độ richter tại khu vực này. Tất cả 3 vụ động đất này đều ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Điều đáng nói là cũng thời điểm này, từ 30.5 đến 7.6, khu vực huyện Bắc Trà My (liền kề với huyện Kon Plông) - nơi đứng chân của thủy điện Sông Tranh 2 - cũng liên tiếp xảy ra 3 trận động đất tương tự.

Ghi nhận vụ động đất mới nhất tại Kon Tum

Mới nhất là lúc 5h41 sáng 7.6, động đất xảy ra khu vực sông Tranh 2 với độ lớn 3,3 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Trước đó, 2 trận động đất liên tiếp xảy ra trong 30, 31.5 với cường độ lần lượt 2,6 và 3,1 độ richter.

Người dân ở khu vực này cho biết, thời điểm trên cảm nhận được các cơn dư chấn, rung lắc.

Các trận động đất tương tự xảy ra từ lâu, chủ yếu khu vực miền núi, trên trục Đông -Tây, kéo dài từ Quảng Ngãi- Quảng Nam đến Kon Tum. Tuy vậy, do cường độ thấp hơn, người dân ít để ý, cho đến khi thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng ở huyện Bắc Trà My (2006), tích nước năm 2012 thì cường độ động đất mới lớn dần. Bấy giờ, các nhà khoa học kết luận là động đất kích thích do quá trình tích nước thủy điện gây ra. Đặc biệt, khi thủy điện Sông Tranh 2 bị sự cố nứt thân đập, rò rỉ nước thì người dân lo lắng, chính quyền cũng nhiều lần diễn tập sơ tán trong tình huống giả định vỡ đập thủy điện này.

Thân đập chính của thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My. Ảnh: Thanh Hải

Từ đó đến nay, hàng trăm vụ động đất lớn nhỏ liên tục xảy ra, tuy chưa trực tiếp gây thiệt hại nặng nề cho dân, nhưng vùng núi này lại bị sụt trượt, sạt lở nghiêm trọng. Mỗi mùa mưa bão đều xảy ra hiện tượng sạt núi, vùi lấp cả làng, hư hại hạ tầng và làm chết hàng chục người.

Trước đây, trong các phản biện về tác động môi trường khi xây dựng thủy điện, các nhà khoa học đã cảnh báo khu vực này nằm trên đới đứt gãy Trà Bồng, Hưng Nhượng - Tà Vy, vốn đã có nguy cơ động đất. Sau khi xây dựng các hồ thủy điện, tích nước thì đã xảy ra hiện tượng động đất kích tích với cường độ lớn và tầng suất nhiều hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn