MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân qua đò không mặc áo phao

Liều mình qua đò không “một mảnh giáp”

Kim Đồng LDO | 21/01/2019 13:49
Mặc dù đã có quy định về việc mặc áo phao khi đi trên phương tiện vận chuyển qua sông, tuy nhiên tại bến đò Nhị Bình (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM), nhiều người “phớt lờ” không thực hiện.

Áo phao chất một đống, không ai mặc

Những ngày đầu tháng 1.2019, chúng tôi có mặt tại bến đò Nhị Bình (nơi đưa khách qua sông Sài Gòn để sang địa phận tỉnh Bình Dương). Tại đây, chúng tôi ghi nhận có tấm bảng với dòng chữ khuyến cáo: “Mặc áo phao khi đi đò là bảo vệ chính mình” và một tấm bảng lớn khác ghi thông báo: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông”.

Áo phao chất cả đóng nhưng không ai mặc khi đi phà qua sông.

Cũng tại đây, sau khi tiến hành mua vé với giá 3.000 đồng/người, chúng tôi bước xuống chiếc phà nhỏ. Điều đáng nói, chiếc phà này có trang bị đầy đủ áo phao, tuy nhiên, số áo phao trên được chất thành 2 đống, không một hành khách nào sử dụng tới. Ngoài ra, nhân viên bến đò này cũng không nhắc nhở hành khách mặc áo phao để đảm bảo qua phà an toàn.

Một người dân (ngụ ở Bình Dương) cho biết, do công việc nên hằng ngày ông phải đi lại trên chiếc phà này thường xuyên. Mỗi lần qua phà, ông mất khoảng 3 phút. “Phà di chuyển ít phút là tới nên tôi không cần gì phải mặc áo phao, và cũng chẳng có ai nhắc nhở hoặc phạt tiền nên tôi và nhiều người nơi đây không mặc áo phao”, ông này nói.

Tại bến đò An Phú Đông (phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM) nơi đảm nhận vệc chở khách qua sông Vàm Thuật để sang địa phận quận Gò Vấp (TPHCM) cũng đặt tấm bảng có nội dung khuyến cáo: “Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình”.

Tuy nhiên, trên chuyến phà có hàng chục hành khác nhưng đã số không mặc áo phao. Xuất hiện trên phà lẻ tẻ vài người treo sẵn áo phao để trên xe gắnn máy. Ngoài ra, không nghe nhân viên thông báo, hoặc nhắc nhở việc mặc áo phao cho an toàn.

Gần 45.880 trường hợp sai phạm

Trung tá Phan Văn Mẫn, đội trưởng đội 2 phòng Cảnh sát đường thủy Công an TPHCM (PC08B) thừa nhận, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng khách qua các tuyến đò trên địa phận TPHCM không mặc áo phao. Ngoài ra, do áo phao không được chủ phương tiện vệ sinh sạch sẽ khiến không ít hành khách không muốn mặc. Nguyên nhân khác là khách ngại nóng, thời gian qua phà ngắn...

Phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu không mặc áo phao cứu sinh.

Thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định: “Trước khi cho phương tiện rời bến thì chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải phát cho mỗi hành khách một áo phao hoặc một dụng cụ nổi cá nhân để sử dụng. Đồng thời hướng dẫn và yêu cầu hành khách trên phương tiện mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trong suốt hành trình của phương tiện.

Cũng tại thông tư này có quy định: “Chủ phương tiện từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn”. “Nếu chủ phương tiện kiên quyết thì tình hình khách qua sông không mặc áo phao sẽ không xảy ra. Về vấn đề này, PC08B phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất những chuyến phà chở khách và xử lý nếu khách không mặc áo phao”, ông Mẫn cho biết thêm.

Về bến đò Nhị Bình, bà Võ Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, cho biết UBND xã cũng thường xuyên nhắc nhở khách đi phà phải mặc áo phao trên hệ thống loa phát thanh. Nếu chủ bến đò không thực hiện, UBND xã có công văn đề nghị PC08B kiểm tra và xử phạt theo đúng thẩm quyền.

Trung tá Phan Văn Mẫn, đội trưởng đội 2 phòng Cảnh sát đường thủy Công an TPHCM cho biết:

TPHCM có 30 bến đò với 91 phương tiện vận chuyển. Bên cạnh đó còn có 2 bến phà (Cát Lái và Bình Khánh) với 15 phương tiện vận chuyển. Năm 2018, PC08B kiểm tra hơn 47.300 lượt phương tiện, bến bãi, công trình và xử phạt hành chính gần 45.880 trường hợp sai phạm. PC08B ra quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 12 tỉ đồng.

Ngoài ra, PC08B tước bằng, chứng chỉ chuyên môn 19 trường hợp, đình chỉ hoạt động 19 trường hợp, tạm giữ 33 phương tiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn