MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc Lập hạng Ba cho Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh. Ảnh: Quang Hiếu

Linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế

Việt Lâm LDO | 20/02/2020 13:00
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) 25 năm qua có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đồng thời, giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, góp phần tạo niềm tin sâu sắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng.

Tạo niềm tin sâu sắc trong toàn xã hội 

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (BHTN) luôn được BHXH Việt Nam tích cực, chủ động triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể: Số người tham gia BHXH đến hết năm 2019 là 15,77 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 12,9 triệu người so với năm 1995. Số người tham gia BHTN là 13,429 triệu người (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đặc biệt, số người tham gia BHYT là 85,945 triệu người (đạt tỉ lệ bao phủ 90% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. 

“Trong khi đó, theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân như thành tựu chúng ta đã đạt được, nước bạn phải mất lộ trình triển khai từ 40 đến 80 năm” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho hay.

Đi đôi với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng liên tục tăng theo thời gian. Cuối năm 2019, tổng số thu BHXH bắt buộc toàn ngành đạt 242.982 tỉ đồng (tăng gần 312 lần so với năm 1995); thu BHXH tự nguyện đạt 2.379 tỉ đồng (tăng 216 lần so với năm 2008); thu BHTN đạt 17.405 tỉ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 4,95 lần so với năm 2009); thu BHYT đạt 104.807 tỉ đồng (tăng 49,6 lần so với năm 2004). Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995). 

Thủ tục hành chính trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 thủ tục hành chính năm 2012 xuống còn 27 thủ tục hành chính năm 2019). Trên 90% đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng Internet; thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong giao dịch với các doanh nghiệp, cá nhân về kê khai tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm (số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm).

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn từ năm 2015, từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Đến nay, ngành đã đạt được các kết quả ấn tượng như: Xây dựng được một hệ thống chính phủ điện tử thông suốt trong toàn ngành; hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT; đã cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4;  

Vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội

Vừa qua, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020 (Hội nghị) do BHXH Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, qua 25 năm hình thành và phát triển, BHXH đã đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đã đóng góp để mang lại những thành quả đáng khích lệ được cộng đồng quốc tế công nhận.

“Chăm lo đời sống, sức khỏe và sự thịnh vượng ấm no của người dân là sự nghiệp lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu xuyên suốt là phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra một mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ cho tất cả thành viên cộng đồng xã hội” - Thủ tướng nhận định.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần phải có giải pháp mới, sáng tạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chính sách an sinh xã hội cần phải ứng dụng công nghệ số để được quản lý thống nhất, bảo đảm hiệu quả, giảm chi phí thường xuyên cho bộ máy tổ chức; cần triệt để giải quyết tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, tình trạng trốn đóng BHXH. 

Thủ tướng đề nghị BHXH, các bộ, ngành liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm lớn trong Nghị quyết 28 của Trung ương về chính sách BHXH. Đó là BHXH Việt Nam là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; huy động nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả, từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm tất cả mọi người đều có lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tôn trọng nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững. Xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả gắn với việc ứng dụng CNTT, kết nối liên thông trong thực thi chính sách, để cho BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động, với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của người lao động (NLĐ).

Với tinh thần đó, Thủ tướng gợi mở các nhóm giải pháp đối với toàn ngành BHXH. Trong đó, trước hết, tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, thống nhất, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, trên cơ sở bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thứ hai là tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT. Tiếp tục hoàn thiện đầy đủ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm, hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng, kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia của các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia của BHXH. Triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết TTHC trên Trục dữ liệu quốc gia.

Thứ ba, Thủ tướng đề nghị 21.000 cán bộ công chức, viên chức, NLĐ trong toàn ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc; xây dựng chỉ số theo dõi, đánh giá chất lượng phục vụ người dân trên tất cả các lĩnh vực công tác theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người dân theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực hiện chính sách; tăng cường công tác quản lý quỹ BHXH; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hoàn thiện cơ chế tài chính để chính sách BHXH, BHYT được thực hiện thống nhất, tiện lợi cho người dân.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị ngành BHXH tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng như để nhân dân hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn