MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường tiểu học số 1 Liên Thủy (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy). Ảnh: H.L

Linh hoạt trong phòng, chống COVID-19 để học sinh đến trường an toàn

PHI LONG - HỮU LIỀU LDO | 06/02/2022 09:52
Quảng Bình- Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp kết thúc, trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tại Quảng Bình, hiện các trường, giáo viên đều đã có kinh nghiệm và những phương án khác nhau để vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, vừa đảm bảo tiến độ học tập.

Muốn con đến lớp nhưng còn nhiều lo ngại

Theo như lịch học, các em học sinh sẽ trở lại đi học vào thứ 2 tới đây (tức ngày 7.2). Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên các đơn vị trường học trên địa bàn tiến hành dạy học linh hoạt theo các phương thức khác nhau.

Theo đó, tại huyện Lệ Thủy, ngoại trừ cấp bậc trung học phổ thông sẽ học dựa theo chỉ đạo của nhà trường, có thể trực tiếp hoặc trực tuyến thì bậc tiểu học và trung học cơ sở sẽ học hoàn toàn theo hình thức trực tuyến tuần học đầu tiên sau khi kì nghỉ Tết kết thúc.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều người lo ngại sau khi trở lại trường học, nếu bùng phát dịch thì việc học trực tuyến sẽ trở lại và kéo dài, nên các trường cần phải có kế hoạch, phương án riêng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo được sức khỏe của học sinh, giáo viên và đảm bảo tiến độ học tập của các em.

Chị Đỗ Thị Phương có con đang học tiểu học cho biết, bản thân chị rất ủng hộ việc tổ chức học trực tuyến tuần đầu tiên sau khi kì nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, tuy nhiên nếu việc học trực tuyến này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của con và ảnh hưởng đến cả công việc của chị.

“Tôi thấy việc học trực tuyến một thời gian ngắn sau kì nghỉ Tết Nguyên đán là rất hợp lý, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh của Quảng Bình như hiện nay. Tuy nhiên các trường học cần phải có những phương án để làm sao để có thể đảm bảo cho các em được đến trường và đến trường thì phải an toàn. Việc nghỉ học hay học trực tuyến ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp thu kiến thức của các cháu, hơn nữa cũng ảnh hưởng nhiều đến công việc của tôi” - chị Phương chia sẻ.

Không chỉ phụ huynh, nhiều giáo viên cũng không muốn phải dạy học trực tuyến quá lâu vì sự ngăn cách giữa cô và trò khiến cho nhiều giáo viên không có được mạch cảm xúc tốt để truyền tải kiến thức cho các em. Hơn nữa, việc học trực tuyến khiến cho giáo viên không thể hoàn toàn kiểm soát được học sinh của mình khi phải giao tiếp qua màn hình máy tính hay điện thoại. 

Cô Nguyễn Thị Phượng - giáo viên trường tiểu học số 1 Liên Thủy (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, nếu dịch bùng phát trong học sinh hay giáo viên, và phải tiếp tục dạy học trực tuyến lâu dài sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp thu kiến thức của các em học sinh.

“Khi học trực tuyến, giáo viên và cả các em học sinh sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, khi giáo viên không thể kiểm soát hoàn toàn lớp học, em này đang làm gì em kia đang làm gì vì chỉ có thể thấy nhau qua màn hình. Các em học sinh, đặc biệt là các em ở cấp tiểu học sẽ rất khó để có thể tập trung nghe giáo viên giảng bài. Bởi riêng không gian học tập đã khác, bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố khác, rất dễ khiến các em bị sao nhãng” - cô Phượng chia sẻ.

Chuẩn bị mọi tình huống đón học sinh trở lại trường

Trải qua thời gian dài chống dịch COVID-19, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã bắt nhịp và có những phương án, kế hoạch riêng để có thể đảm bảo được việc cho các em đến trường mà vẫn giữ được an toàn.

Trao đổi với PV, cô Nguyễn Lan Nhung- Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Liên Thủy (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, phía nhà trường đã lên kế hoạch và có sự chuẩn bị cho những kịch bản không mong muốn nếu có xảy ra.

“Tuần học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ được dạy trực tuyến, theo như chỉ đạo của Phòng Giáo dục để tránh việc dịch bệnh lây lan trong các em học sinh nếu có. Đối với trường tiểu học số 1 Liên Thủy thì tuần đầu tiên sau tết nhà trường sẽ theo dõi nắm bắt tình hình dịch bệnh để có kế hoạch tổ chức dạy trực tiếp, đồng thời tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tổng dọn vệ sinh trường lớp, chuẩn bị máy đo thân nhiệt, cồn sát khuẩn, xà phòng tại các điểm rửa tay... đồng thời kích hoạt tổ giám sát phòng chống dịch của nhà trường và bố trí phòng cách ly tạm.

Trong ngày đầu tiên các em học sinh đến trường, nhà trường sẽ tổ chức đón học sinh tại cổng trường để đo thân nhiệt, nếu có biểu hiện sốt ho thì sẽ đưa đến phòng cách ly tạm thời sau đó liên lạc với phụ huynh của học sinh. Thời khóa biểu học tập cũng được sắp xếp hợp lý, đồng thời giảm thời gian ra chơi để tránh việc các em tiếp xúc qua nhiều” - cô Nhung cho biết.

Theo cô Nhung, bên cạnh các biện pháp trên, nhà trường cũng sẽ linh hoạt nếu có ca nhiễm trong học sinh, nhà trường sẽ tùy theo tình hình tiếp xúc và mức độ để xử lý khoanh vùng theo đơn vị lớp, tránh ảnh hưởng đến các lớp học khác.

Ngày 6.2, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, học sinh trong tỉnh sẽ bắt đầu đi học từ ngày 7.2 theo hướng linh hoạt, tùy theo tình hình thực tế và cấp học tại các địa phương. Phương án cụ thể, linh hoạt đã được Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình xây dựng kịch bản từ trước nhằm bảo đảm việc học tập của học sinh và công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn