MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một sự kiện đám tang nghệ sĩ mà giới streamer đổ xô đến livestream một cách phản cảm. Ảnh cắt từ clip

Livestream công kích, xúc phạm người khác: Ảo tưởng và tệ nạn

Thế Lâm LDO | 14/06/2021 07:58

Việc sử dụng mạng xã hội để livestream công kích cá nhân và xúc phạm người khác phải được xem là một thứ tệ nạn xã hội vì nó chẳng những không tốt cho xã hội, mà chính những người thực hiện livestream cũng mất đi hình ảnh.

Khởi nguồn của cao trào livestream “kể tội” từng nghệ sĩ bắt đầu từ trường hợp nữ doanh nhân- bà Phương Hằng- gần đây. Một số nghệ sĩ, nhân vật showbiz đã phản ứng lại bằng cách công kích bà này hoặc thách thức lại. Một số khác chỉ phản ứng nhẹ nhàng theo cách văn minh hơn.

Song cũng có người im lặng, vì bị kéo vào cuộc đôi co mà phản ứng lại cho dù đúng hay sai thì cũng chẳng hay ho gì. Mà càng dính sâu vào cuộc đôi co, có thể càng làm ồn ào dư luận một cách không đáng có, hình ảnh trong mắt công chúng cũng bị tổn hại.

Bà Phương Hằng được Sở Thông tin và Truyền thông mời làm việc và bà đã có cam kết không livestream xúc phạm người khác. Tưởng chừng mọi việc đã dừng lại, tuy nhiên, “phía bên” kia, những “anti-fans” của bà này bắt đầu lại được nước lên tiếng phát ngôn phản cảm, tục tĩu trên mạng xã hội, trong đó có một số nghệ sĩ nổi tiếng, khiến cho các cuộc “Facebook chiến” và “YouTube chiến” càng trở nên phức tạp.

Theo phân tích của thạc sĩ Tuyết Mai - phụ trách truyền thông tại một công ty công nghệ ở TPHCM, sự ảo tưởng của những người livestream (streamer) trước hết do các nền tảng công nghệ mạng xã hội như Facebook, YouTube… cho người dùng quyền đăng tải, phát sóng, nhưng lại thiếu sự kiểm soát đủ mức cần thiết để hạn chế, ngăn chặn các nội dung phản cảm, thiếu văn hóa, bạo lực, công kích cá nhân, xúc phạm người khác…

“Bình thường, doanh nghiệp hay người dùng quảng cáo sản phẩm hoặc đăng bài quảng cáo trên Facebook thì người xem có quyền báo cáo xấu để nền tảng mạng xã hội xử lý. Tuy nhiên, trường hợp livestream thì chưa có công cụ cho người dùng báo cáo để kịp thời tắt sóng ngăn chặn nội dung xấu. Chính vì thế, những streamer công kích cá nhân, xúc phạm người khác khi nhìn thấy lượt người xem, theo dõi tăng lên thì cứ nghĩ rằng mình đang có một quyền lực, quyền năng được phép phán xét người khác”, thạc sĩ Mai nhận xét.

Từ ảo tưởng về cá nhân, vai trò, quyền lực của mình trên mạng xã hội nên một số trường hợp streamer gần đây đi quá giới hạn về phát ngôn, thậm chí đã có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật như xúc phạm, làm nhục người khác.

Còn nhớ vào tháng 1.2021, streamer Nguyễn Văn Nhanh tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã bị tòa xử phạt 1 năm tù về tội “làm nhục người khác” khi có hành vi livestream chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm 2 cá nhân trên địa bàn huyện.

Việc sử dụng trang Facebook cá nhân, kênh YouTube để viết status chửi bới hay chửi bậy, livestream xúc phạm, làm nhục người khác gần đây đã dấy lên như một thứ dịch bệnh, tệ nạn. Một số trường hợp livestream càng có nhiều người theo dõi và tán dương thì hành vi livestream xúc phạm người khác càng được gia tăng cường độ.

Sự tán dương trên mạng xã hội có thể dẫn đến ảo tưởng nhưng sự công kích, xúc phạm người khác lại thuộc về thế giới thực với các quy định luật pháp chế tài chặt chẽ. “Quyền lực” trong thế giới ảo không có nghĩa là được thế giới thực chấp nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn