MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chất lượng giáo viên đang là vấn đề được dư luận lo ngại cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh minh họa Ảnh: T.L

Lo chất lượng giáo viên cho chương trình giáo dục mới

HUYÊN NGUYỄN - ĐẶNG CHUNG LDO | 22/01/2018 10:32
Với nhiều hình thức dạy học mới, chất lượng giáo viên (GV) đang là vấn đề được dư luận lo ngại cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT TT) mới.

Lần đầu tiên dạy tích hợp, liên môn

Bộ GDĐT vừa công bố Dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPTTT mới. Chương trình mới sẽ có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, nhiều môn được thực hiện dạy tích hợp các môn và liên môn, xuyên môn. Một số môn học tích hợp mới như: Lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật...

TS Mai Sỹ Tuấn - chủ biên chương trình môn khoa học tự nhiên - cho biết, môn học này được xây dựng để chuyển việc học từ tiếp cận nội dung sang năng lực, nhấn mạnh việc dạy tích hợp. “Nếu tách riêng các môn học, ví dụ như tách riêng vật lý, hóa học, sinh học thì giải quyết vấn đề thực tiễn sẽ không toàn vẹn. Việc tích hợp môn sẽ giải quyết vấn đề thuận lợi hơn” - ông Tuấn nói.

Khó khăn đối với việc dạy tích hợp là GV vốn chỉ được đào tạo môn học riêng rẽ và quen với việc dạy 1 môn nên dạy môn có nhiều kiến thức rộng và tổng hợp thì chắc chắn sẽ hạn chế hơn. Ngoài ra, việc triển khai bộ môn này sẽ gặp một số vấn đề khó khăn về phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất, sắp xếp thời khoá biểu... Tuy nhiên, thuận lợi là bộ môn này được dạy ở nhiều nước trên thế giới. Trước đó, Bộ GDĐT cũng đã có bước chuẩn bị cho giáo viên về các phương pháp dạy học tích hợp, xây dựng chủ đề tích hợp trong nhiều năm nay và có bước chạy đà chính là chương trình mô hình trường học mới VNEN...

Còn GS-TS Phạm Hồng Tung - chủ biên chương trình môn lịch sử và địa lý - cho hay: Lý do tích hợp nằm trong căn cốt khoa học của 2 môn này bởi bất kỳ sự kiện lịch sử nào cũng diễn ra không gian địa lý nhất định, không gian địa lý nào cũng là không gian của con người. Tích hợp có hợp lý trong chuyên môn và giúp hình thành tư duy liên ngành dẫn đến nhận thức khoa học liên ngành toàn diện và gần với cuộc sống hơn. Các phương thức tích hợp sẽ tùy theo yêu cầu của nội dung chuyên môn và tâm lý lứa tuổi. Từng bài lịch sử hay địa lý sẽ có nội dung của nhau. Mặt khác, không chỉ tích hợp lịch sử, địa lý mà còn với các môn học khác như văn học, sinh học, giáo dục công dân... Ngoài ra, tích hợp liên môn những khối kiến thức gần nhau sẽ đặt cạnh nhau soi sáng cho nhau mà không trùng lặp. Tích hợp xuyên môn là có những chủ đề tích hợp rất cao, trộn nhuần nhuyễn vào với nhau. Hoạt động trải nghiệm cũng là nội dung giáo dục sẽ được đưa vào chương trình học chính khoá thay vì ngoài giờ như trước kia.

Ngoài ra, chương trình GDPT mới lần đầu tiên đưa vào chương trình chính khoá hoạt động trải nghiệm, thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

Là trường học đã áp dụng dạy tích hợp nhiều năm, ông Đoàn Công Thạo - Hiệu trưởng THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) - lo ngại, chương trình mới có nhiều băn khoăn, bởi thấy chương trình chưa thực sự giảm tải. Ông Thạo cho rằng học sinh THCS ở độ tuổi 11-15 nên tăng nội dung học trải nghiệm. “Hơn nữa, với cách ghép kiến thức các môn đứng cạnh nhau thì tình hình giáo viên vật lý không đơn giản mà dạy được cả hóa học và sinh học” - ông nói.

Thiếu giáo viên cấp tiểu học, thừa cấp THCS

Thông tin trên vừa được đại diện Bộ GDĐT đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình SGK mới, do UBND TP.Hà Nội, đại diện Bộ GDĐT đưa ra thông tin tại hội nghị cho biết, bộ đã có báo cáo kết quả rà soát thực trạng điều kiện về đội ngũ GV hiện nay và dự báo nhu cầu khi thực hiện chương trình giáo dục mới. Theo đó, với một số môn mới đưa vào chương trình sẽ phải tuyển mới hoàn toàn, đặc biệt với môn ngoại ngữ đang thiếu nghiêm trọng ở cấp tiểu học. Hiện cả nước thiếu khoảng 5.616 GV tiếng Anh, 5.607 GV tin học ở tiểu học. Căn cứ vào lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 GV tiếng Anh và 2.000 GV tin học.

Đại diện Bộ GDĐT khuyến cáo các địa phương cần ưu tiên tuyển dụng GV tiểu học và tiếng Anh, tin học còn thiếu, hạn chế hoặc không tuyển các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, vì các môn học này GV tiểu học đã được đào tạo để dạy.

Nếu cấp tiểu học xảy ra tình trạng thiếu GV, thì cấp THCS lại đang thừa. Ở cấp học này, số GV đang thừa là 9.246 (tính đến thời điểm tháng 11.2017). Bộ kiến nghị có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết tình trạng thừa GV cấp THCS.

Về cấp THPT, số được tuyển mới bổ sung thay thế GV nghỉ hưu hằng năm sẽ khoảng 1.507 giáo viên, cộng với số GV cần tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 2.250. Trên cơ sở số GV đang thừa khoảng 8.874, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương cần tính toán nhu cầu tuyển mới hợp lý, trong đó ưu tiên tuyển 5.400 GV dạy môn nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) để bắt đầu dạy môn học này từ năm 2021.

Nói về kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) - cho biết, hiện nay bộ đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV. Trong đó, các trường sư phạm sẽ đào tạo GV dạy các môn theo chương trình môn học mới ví dụ như: Lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội....

Bộ cũng sẽ thực hiện lộ trình lựa chọn GV cốt cán bồi dưỡng trước. Theo đó, mỗi môn học sẽ có 2 GV được lựa chọn/tỉnh/thành phố để bồi dưỡng cốt cán khoảng 8 ngày vào kỳ 2 năm 2019. Sau đó, bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng GV đại trà qua mạng. Ngoài ra, bộ cũng lên kế hoạch bồi dưỡng GV dạy tích hợp. Theo tính toán, mỗi GV sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết) để dạy tích hợp. Khi đó, GV lịch sử có thể dạy cả địa lý và ngược lại, đảm bảo tất cả GV sẽ đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Về vấn đề chất lượng GV, ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) - cho rằng ông không lo chất lượng, trình độ GV khi áp dụng chương trình, SGK mới mà lo GV không nhiệt tình thực hiện đổi mới. Để thực hiện phải bắt nguồn từ cơ sở, vì vậy, phải tập huấn, đào tạo làm sao để GV hiểu cần đổi mới và đổi mới thực hiện như thế nào rất quan trọng.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông - công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới trong tương lai là một nhiệm vụ quan trọng, cần gấp rút thực hiện. GV sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao khả năng tự học, để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn