MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống nhà hàng, quán ăn được H. dựng lên bên trong khu vực sinh thái vườn nhãn Vĩnh Tuy (Hà Nội). Ảnh: PV

Lộ diện những “ông chủ máu mặt” thâu tóm đất bồi ven sông

NHÓM PV LDO | 19/07/2022 12:44

Trong bài viết “Giải mã bí ẩn về đoàn xe ngày đêm chở phế thải lấp sông Hồng” đăng trên số báo 164 ra ngày 18.7, phóng viên Báo Lao Động, trong vai người có nhu cầu thuê đất làm kinh doanh dịch vụ, đã tiếp cận được một số đầu mối “bảo kê”, tổ chức và điều phối hàng chục xe tải chở phế thải xây dựng để san lấp trái phép đất bồi ven sông Hồng (thuộc phường Long Biên, Quận Long Biên, TP.Hà Nội). Bên cạnh đó, một loạt các chiêu trò lấn chiếm, hô biến đất công tại khu vực này cũng được bóc trần. Một số lô “đất vàng” bãi bồi được những “ông chủ máu mặt” hô biến thành bãi kinh doanh quy mô lớn để mặc sức thu lời.

Đất vàng bãi bồi sông Hồng bị thâu tóm thế nào?

Cụ thể, thông qua giới thiệu, chúng tôi tìm đến khu du lịch sinh thái vườn Nhãn Vĩnh Tuy. Là địa điểm vui chơi nổi tiếng mà đa số dân sống tại Hà Nội đều biết đến, vùng đất này từ lâu đã trở thành “món hời béo bở” được phân chia và độc chiếm bởi các cá nhân có “máu mặt” ở Long Biên.

Với diện tích rộng khoảng 9ha tọa lạc ven sông Hồng và nằm trên phần đất nông nghiệp thuộc quản lý của chính quyền phường Long Biên, nhưng nhiều năm nay đã được bàn giao, cho thuê lại bởi một số cá nhân.

Dưới danh nghĩa là giao cho cá nhân để trông coi, chống lấn chiếm, chống đổ phế thải, tuy nhiên chính những người “bảo vệ” này lại độc chiếm và tạo nên các đại công trình ngay trên đất công. Nơi mà ở đó, những khu vui chơi sinh thái, nhà hàng, quán ăn, trường đua... được dày công xây dựng để làm kinh doanh và thu phí dịch vụ.

Trong vai là những người có nhu cầu thuê sân chơi, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, chúng tôi được kết nối đến H - người tự xưng là trường hợp duy nhất, có quyền “định đoạt” tại khu đất này.

Qua tìm hiểu, dù H không phải người sinh sống tại địa phương, nhưng hơn chục năm nay, người phụ nữ này đàng hoàng bước vào quản lý gần chục hécta đất màu mỡ, được ví như “gà đẻ trứng vàng”, đắc địa bậc nhất của vùng bãi bồi ven sông. Qua thời gian, H bằng nhiều cách khác nhau đã tạo nên các khu vui chơi, nhà ăn, thậm chí là mặt bằng kinh doanh, được tổ chức xây dựng và thiết kế với quy mô hoành tráng.

“Bọn chị đấu thầu khu này và là chủ thầu từ năm 2007. Ngày xưa là phải đổ, san lấp nhưng bây giờ chị hoàn thành việc đó lâu rồi. Em thử nghĩ đi, 15 năm tôn tạo nó mới được như vậy. Nói chung ở đây phải nói là “đất vàng” vì nó là đảo nổi, được đắp cao hơn cả mặt đê Long Biên, Xuân Quan. Ở đây mà thông báo ngập nước thì cả thành phố phải đi bằng thuyền” - H nói.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn thuê lại một phần nhỏ diện tích để làm kinh doanh, ngay lập tức, H sẵn sàng đồng ý. Tuy nhiên, người phụ nữ này cho hay, để đối phó với cơ quan chức năng, toàn bộ các công trình trên đất phải sử dụng bằng container 20 feet dễ di dời. H cũng khẳng định, ở đây cái gì cũng làm được nhưng không phải nhà xây, nó phải là nhà tôn hoặc nhà lắp ghép làm bằng tấm chống nóng.

“Muốn thuê đất ở đây thì phải chia lợi nhuận 50/50. Thuê kinh doanh thì khách của em vẫn phải nộp tiền vào vườn cho chị với giá là 50.000 đồng/người” - H đề nghị.

Công khai khai thác và sở hữu khu đất, thậm chí sẵn sàng cho thuê lại một phần diện tích, từ bãi đất ven sông hoang hoá, H nghiễm nhiên trở thành chủ của miếng đất “vàng”. Bằng chứng của việc làm chủ này là bất kể ai muốn đến khu bãi bồi sông Hồng (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy) vui chơi đều phải có sự đồng ý của H thông qua việc trả tiền vé ra vào.

Dù tình trạng thu tiền trái quy định này diễn ra trong thời gian dài, khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc và được các cơ quan báo chí, truyền hình nhiều lần phản ánh. Nhưng đến nay, hoạt động này vẫn tái diễn thường xuyên, ngay trước mắt các cơ quan chức năng.

Những “địa chủ thế lực và máu mặt”

Lý giải cho nguyên nhân để có được “đặc quyền” này, những “địa chủ” phải có cả thế lực về mặt xã hội và quyền lực về mặt luật pháp - đó là những gì mà T người đồng sở hữu, khai thác khu đất tiết lộ cho chúng tôi biết sau nhiều lớp liên hệ và dắt mối.

Được biết, không chỉ nắm trong tay nhiều mảnh đất nông nghiệp khác nhau tại bãi bồi ven sông Hồng, T còn sở hữu một căn nhà bungalow (được lắp ghép bằng các tấm gỗ, thiết kế theo phong cách nghỉ dưỡng) tọa lạc giáp khu sinh thái Vườn Nhãn Vĩnh Tuy. Theo T, dựng các loại nhà này đang là xu hướng bởi dễ tháo dỡ và di dời nếu bị “kiểm tra”.

T giới thiệu, bản thân đang hợp tác và làm cùng H. Mỗi người một nhiệm vụ, T khẳng định có thế ở quận, còn H thì lo chuyên về các mặt trái về xã hội. Cụ thể theo lời T mô tả là “chuyên gia thu hồi nợ”.

Chính vì có “thân thế” lớn, T không ngần ngại chia sẻ cho chúng tôi, sự thật việc những người này sở hữu được khu đất là do lách luật. T thông tin, hiện nay, việc sử dụng đất gặp nhiều vấn đề phức tạp và đang trong quá trình chuẩn bị hợp thức hoá bằng cách chuyển sang đấu thầu (có sắp xếp). T coi đây là điều kiện, thời cơ mà chỉ có quan hệ và tài chính thì mới được ưu tiên.

“Đầu tiên, dự án của bọn anh giao cho một công ty khác làm 20 năm. Sau này công ty đó gặp trục trặc rồi giao lại cho H trông hộ. Đến bây giờ cũng loằng ngoằng vì khá lâu đời rồi. Sắp tới việc quản lý quỹ đất này cũng sẽ đưa hết vào chính quy, chuẩn bị chuyển sang làm đấu thầu, giao thầu. Bởi trước đây là do lách luật, nó cho hợp đồng chống đổ phế thải để trông coi. Nên đợt này cứ giao 5 năm một là ký như kiểu giao đất thầu ở quê ấy” - T giải thích.

Để thuyết phục chúng tôi hùn vốn vào thuê đất bãi ven sông, T liên tục quảng cáo lợi nhuận có được khi làm dịch vụ. T quả quyết, vườn nhãn vào mùa sẽ rất đông khách. Chỉ cách buổi gặp mặt nhóm phóng viên trong thời gian ngắn, vườn nhãn mà T đồng khai thác với H đã đón đến 20 vạn người trong vòng 3 ngày tại sự kiện hoành tráng về dịch vụ vui chơi bằng khinh khí cầu lần đầu tại Thủ đô.

Nhờ nguồn lợi khủng mang về từ việc kinh doanh trên đất cấm, bên cạnh khu sinh thái vườn nhãn Vĩnh Tuy khổng lồ, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt các công trình khác từ những “chủ nhân máu mặt” cũng đang trong quá trình hình thành.

Cụ thể, một sân tập golf sát vách vườn nhãn có diện tích hơn 10ha. T mô tả, chủ lô đất này là người có “quyền lực” và lách luật bằng cách hô biến từ đất trồng cây sang thành sân tập golf. Thực trạng khu đất đã được san phẳng bề mặt nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện công trình vì nhiều lý do khác nhau. Đến nay, khu đất vẫn khá ngổn ngang, tập kết nhiều vật liệu xây dựng cùng các thiết bị máy móc phục vụ việc san ủi vẫn âm thầm hoạt động.

Nhưng có một “luật bất thành văn” tại đây mà nhiều người dân khẳng định, chưa biết có làm được công trình trên đất bồi bãi sông hay không, nhưng có cơ hội vẫn phải quây lại để giữ đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn