MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên đọc quyết định kiểm tra đột xuất đối với quầy hàng của bà Nguyễn Thị Quy. Ảnh: Nguyễn Tùng

Lỗ hổng quản lý khiến thực phẩm hôi thối ngang nhiên bày bán

Nguyễn Tùng LDO | 17/10/2023 06:50

Trong khi cả ngành Công Thương và Nông nghiệp đang loay hoay với câu chuyện chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm tươi sống, thì người tiêu dùng tại Thái Nguyên đang hết sức lo ngại vì thịt bẩn được bày bán công khai tại chợ...

Đầu tháng 10.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký quyết định xử phạt hành chính số tiền hơn 100 triệu đồng đối với 1 tiểu thương tại chợ Đồng Quang (TP Thái Nguyên) về hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị và một số vi phạm khác.

Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, ngày 23.9 lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra, phát hiện địa điểm kinh doanh của bà Nguyễn Thị Quy (tại chợ Đồng Quang) đang bày bán, cất giữ thịt, xương và nội tạng lợn đã bị chết trước khi giết mổ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Tổng trọng lượng gần 3 tấn.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là hành vi buôn bán thịt bẩn của tiểu thương này đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng Ban quản lý chợ Đồng Quang lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Vụ việc chỉ được phát hiện khi người dân và các tiểu thương tố cáo hành vi vi phạm tới các cơ quan chức năng.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng cũng xác định tiểu thương này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại chợ Đồng Quang. Trong khi đó, theo nội quy chợ Đồng Quang đã được Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên phê duyệt từ năm 2011 thì thương nhân kinh doanh tại chợ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thực tế đó đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về lỗ hổng trong quản lý hay có sự tiếp tay, bao che của Ban quản lý chợ?

Trao đổi với PV về vụ việc, ông Nguyễn Hoàng Bắc - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên thừa nhận có trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường phụ trách địa bàn. Sự việc diễn ra trong thời gian dài và chỉ được phát hiện khi có phản ánh của người dân thì rõ ràng trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban quản lý chợ Đồng Quang.

Bên cạnh việc tăng cường quản lý chặt chẽ hơn thì phía Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho rằng, khó ở chỗ mặt hàng thịt không nằm trong 6 nhóm ngành nghề kinh doanh mà ngành Công Thương được giao quản lý, mà lĩnh vực này thuộc trách nhiệm chính của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trực tiếp là cơ quan thú y, nên trên thực tế lực lượng quản lý thị trường không quan tâm nhiều đến mặt hàng này.

"Nhiệm vụ chính mà lực lượng QLTT tập trung triển khai là đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại. Trong quá trình làm việc, cán bộ QLTT có hỏi về thông tin người mua hàng nhưng tiểu thương bảo không biết, nên chúng tôi cũng không có quyền hỏi thêm. Trừ khi vụ việc được Công an vào cuộc thì việc khai báo này mới mang tính chất bắt buộc" - ông Bắc cho hay.

Phía Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Đắc Vinh - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y - cho biết, đơn vị này không có chức năng và cũng không được phép kiểm tra tại các chợ, mà chỉ có thể tham gia kiểm tra cùng đoàn liên ngành khi có yêu cầu.

"Thịt gia súc, gia cầm khi đã được bày bán trên thị trường thì sẽ thuộc trách nhiệm của lực lượng QLTT và ngành Công Thương. Đối với kiểm dịch viên ở các huyện cũng chỉ kiểm soát tại các cơ sở giết mổ được phép hoạt động" - ông Vinh thông tin.

Trong khi các cơ quan liên quan còn đang bị vướng mắc và giới hạn bởi chức năng, nhiệm vụ thì bằng nhiều cách khác nhau thịt bẩn vẫn được tiêu thụ ra thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng cho sức khoẻ của mình và cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn