MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đi lễ đền chùa. Ảnh: HẢI NGUYỄN

"Lỗ hổng" quản lý tiền công đức: Kiểm toán để tạo niềm tin của cộng đồng

CAO NGUYÊN - ĐẶNG CHUNG - TRẦN VƯƠNG LDO | 25/10/2019 10:11
Câu chuyện tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang là nơi xuất phát của nhiều tranh luận, mâu thuẫn. Điển hình mới đây là tranh cãi xung quanh khoản tiền hàng trăm tỉ đồng trong trường hợp của nhà sư Thích Thanh Toàn (trước khi hoàn tục là trụ trì chùa Nga Hoàng, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III - Kiểm toán - cho biết, về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nói nguồn tiền ở các đền, chùa cần phải công khai, minh bạch và có một cơ chế kiểm soát. 

Lỗ hổng pháp lý

Theo ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III - Kiểm toán, ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nguồn quỹ công đức các cơ sở tôn giáo được kiểm soát rất tốt và thông thường họ thông qua cơ chế kiểm toán để nhằm mục đích kiểm soát, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong việc sử dụng. Tuy nhiên, ở nước ta, việc kiểm soát nguồn quỹ công từ các cơ sở thờ tự, đền chùa còn là một lỗ hổng pháp lý.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quản lý tiền công đức cũng cần phải có một cơ chế rõ ràng, việc sử dụng phải công khai minh bạch.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc quản lý nguồn tiền công đức hiện nay, phần lớn vẫn dựa vào sự trung thực của người quản lý cơ sở thờ tự. Vấn đề là làm thế nào để minh bạch được tiền công đức, vì là tài sản của nhân dân, nên người dân có quyền kiểm toán độc lập toàn bộ quá trình chi tiêu số tiền do mình đóng góp. Ví dụ như mời các đơn vị kiểm toán độc lập vào kiểm tra. Khi dân có nhu cầu này, thì ban quản lý của mỗi cơ cở thờ tự cần phối hợp, mục đích là để người dân có niềm tin.

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, những khoản đóng góp của người dân bằng hình thức tự nguyện theo hộ, tổ chức thậm chí những nơi tín ngưỡng thì cần phải có cơ chế riêng để kiểm soát. Trong mỗi một tổ chức xã hội thì đều có bộ máy kiểm soát hệ thống đó. Ví dụ Hội chữ thập đỏ nếu huy động tiền thì phải kiểm soát tiền ủng hộ đó sử dụng đúng mục đích, mục tiêu khi huy động hay không? Nếu kiểm soát được việc đó thì kiểm toán không cần vào kiểm toán việc này.

Theo đại biểu Cường, nên để cho những đơn vị, tổ chức đó kiểm soát lấy. Tuy nhiên, nếu muốn duy trì được uy tín của mình thì các đơn vị, tổ chức này cần phải công khai, minh bạch những gì mà người dân tự nguyện đóng góp, từ đó tạo được niềm tin của cộng đồng.

Cần có sự kiểm soát tiền công đức. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Có quy chế, điều kiện để quản lý

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, cần phải minh bạch các nguồn thu, chi từ tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo. Tiền công đức ở chùa vốn dĩ của người dân đóng góp. Vấn đề công đức trong nhà chùa trước đây chỉ là giọt giầu, chén rượu thôi, bây giờ cơ chế mới có thể đóng góp vào tôn tạo, đúc chuông, đổ tượng cần phải minh bạch đúng với bản chất của tôn giáo.

Vị đại biểu này cho rằng, các cơ sở tôn giáo cần phải tự mình minh bạch hoá các nguồn thu ấy chứ không phải đợi các cơ quan vào cuộc. Cái nguy hiểm nhất là hiện tượng mạo danh - ví dụ xây dựng các cơ sở tôn giáo không đúng với quy hoạch, không đúng thủ tục, bỏ tiền đầu tư sau đó quản lý cơ sở này để thu phí vào chùa… Thậm chí một số khu du lịch tâm linh lớn hiện nay vào chùa không mất phí nhưng sử dụng các dịch vụ thì phí rất cao.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) phân tích, hiện nay tiền công đức của các nhà chùa, các sư trụ trì quản lý số tiền rất lớn. Dẫn đến người dân vỡ lẽ ra số tiền công đức quá lớn. Cụ thể như vừa rồi xảy ra sự việc sư thầy Thích Thanh Toàn muốn hoàn tục lại có số tài sản trên dưới 300 tỉ đồng, ngoài ra còn những tài sản khác chưa công bố… Từ đó, ông Hòa phân tích việc quản lý tiền công đức của nhà chùa, trước tiên Bộ Nội vụ, Bộ VHTT và Du lịch đặc biệt Ban trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phối hợp đề ra những quy chế, những điều kiện, quy định, để làm sao quản lý tiền công đức đó là tiền của nhà chùa chứ không phải của riêng trụ trì…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn