MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ sập mỏ thiếc Suối Bắc (xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) làm 3 người tử vong xảy ra ngày 13.3.2019. Ảnh: Huy Nhâm

Lỗ hổng trong quản lý an toàn vệ sinh lao động

QUANG ĐẠI LDO | 06/01/2020 12:38
Mặc dù cơ quan chức năng Nghệ An đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, thanh - kiểm tra, nhưng nhiều vụ tai nạn lao động vẫn xảy ra làm nhiều người tử vong. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nhiều doanh nghiệp vẫn bất cập.

Thanh tra, kiểm tra chiếm tỉ lệ nhỏ

Theo UBND tỉnh Nghệ An, năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tiến hành 3 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo hiểm xã hội (BHXH) tại 20 doanh nghiệp (DN). Theo đó, Sở lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 5 DN với số tiền 51 triệu đồng và kiến nghị khắc phục tồn tại về an toàn lao động. Đoàn liên ngành tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại 34 DN, xử lý 20 DN vi phạm. Sở Xây dựng kiểm tra quá trình thi công xây dựng công trình kết hợp công tác ATVSLĐ tại 8 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.  

Sở Công Thương tổ chức 19 cuộc thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ tại 30 DN trong sử dụng vật liệu nổ, kinh doanh xăng dầu, điện lực. Sở Công Thương phát hiện các tồn tại và yêu cầu nhà thầu, DN khắc phục, đảm bảo an toàn mới được thi công, sản xuất. Ngoài ra, các huyện, thị đã thanh, kiểm tra 253 DN, cơ sở sản xuất, yêu cầu thực hiện 1.013 kiến nghị khắc phục các tồn tại.

Số DN được thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ nói trên chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn là 12.317. Ngoài ra, còn hàng nghìn cơ sở sản xuất chưa thành lập DN.

Đợt giám sát về công tác ATVSLĐ của HĐND tỉnh Nghệ An trong năm 2019 cũng phát hiện nhiều bất cập, “lỗ hổng” về bảo vệ môi trường, ATVSLĐ như môi trường làm việc ô nhiễm, có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe công nhân, công tác bảo vệ môi trường chưa bảo đảm.

Trong năm, địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 5 vụ tai nạn lao động làm 2 người chết, 5 người bị thương nặng 8 người bị thương nhẹ, thiệt hại về vật chất hơn 140 triệu đồng. Mặc dù giảm 2 vụ, giảm 5 người bị chết và giảm 10 người bị thương nặng so với năm 2018, nhưng UBND tỉnh Nghệ An vẫn nhận định: “Quản lý nhà nước về ATVSLĐ, nhất là ở cấp huyện, còn bất cập. Tai nạn lao động tại DN vẫn xảy ra”. Đây được xem là mặt hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành của địa phương.

Lơ là sức khỏe người lao động

Về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, lỗi trực tiếp của phần lớn các vụ do người lao động còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa; người quản lý, sử dụng lao động thiếu kiểm tra, giám sát. Việc tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ đối với người lao động còn hạn chế... Phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ không được nhắc đến.

Bên cạnh đó, tình hình bệnh nghề nghiệp của người lao động cũng có xu hướng tăng. Khoa Sức khỏe nghề nghiệp - Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh tỉnh Nghệ An và các cơ sở y tế đã tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 10 lượt đơn vị với tổng số 1.738 công nhân, phát hiện 223 người nghi ngờ mắc bệnh, tăng 58 người bị nghi ngờ mắc bệnh so với cùng kỳ năm 2018.

Năm 2019, chỉ có khoảng 55 lượt đơn vị tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với tổng số 24.647 người. Đây là một con số quá nhỏ so với hơn 12.000 DN đang hoạt động, với 290.000 lao động.

Ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho hay: Năm 2020, tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương nghiêm túc chấp hành Luật ATVSLĐ và Nghị quyết số 19/2018 của HĐND tỉnh, tăng cường tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, với mục tiêu giảm 5% tai nạn lao động chết người, tăng cường an toàn, vệ sinh cho người lao động tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn