MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thường xuyên đến hồ Thiền Quang câu cá, đi bộ. Ảnh: Phạm Đông

Lo ngại cảnh quan hồ Thiền Quang bị chia nhỏ

Phạm Đông LDO | 28/02/2024 09:01

Trong đồ án thiết kế đô thị quanh hồ Thiền Quang ở Hà Nội dự kiến có 5 quảng trường cùng nhiều phân khu, nhằm kết nối các điểm dân cư và trung tâm văn hóa xã hội của khu vực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc này sẽ khiến cảnh quan hồ Thiền Quang bị chia nhỏ, không có điểm nhấn, tăng tình trạng bêtông hóa quanh hồ.

Đồ án thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỉ lệ 1/500 đang được quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tổ chức lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân Thủ đô và giới chuyên gia đô thị.

Theo đồ án, khu vực quanh hồ Thiền Quang sẽ gồm 13 phân khu chức năng. Riêng phân khu văn hóa nghệ thuật đa năng có một quảng trường trung tâm. Cùng với đó, đồ án thiết kế thêm 4 quảng trường mang tên 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông xung quanh hồ.

Hồ Thiền Quang có diện tích khoảng 5ha, với 4 mặt bao quanh các tuyến phố: Trần Nhân Tông, Quang Trung, Nguyễn Du, Trần Bình Trọng.

Việc xây dựng thiết kế đô thị khu vực hồ nằm trong đề án không gian đi bộ hồ Thiền Quang và vùng phụ cận.

Theo ghi nhận của Lao Động, Cung Thanh Niên (số 37 Trần Bình Trọng) là một trong những công trình được tách thành dự án riêng để cải tạo, dù nằm trong tổng thể khuôn viên hồ Thiền Quang. Công trình hiện xuống cấp nghiêm trọng, đã đóng cửa để chờ xây mới.

Sắp tới, việc cải tạo công trình này bắt buộc thực hiện song song quá trình triển khai đồ án thiết kế hồ, nhằm đảm bảo đồng bộ cảnh quan.

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cho rằng, việc chỉnh trang lại hồ Thiền Quang là cơ hội tốt để thành phố cũng như quận Hai Bà Trưng cải tạo những công trình xuống cấp, cảnh quan thiếu điểm nhấn và không gian thiếu tính kết nối tại khu vực. Đây cũng là mong muốn chung của người dân Thủ đô nhiều năm nay.

Tuy nhiên, theo KTS Trần Huy Ánh, đồ án thiết kế không gian đô thị quanh hồ Thiền Quang còn nhiều chi tiết cần lưu tâm bởi chưa xứng tầm trung tâm văn hóa - xã hội. Bởi, đây là không gian xanh có giá trị rất lớn, việc cải tạo không gian hồ cần hạn chế xây dựng các công trình mà phải tăng cường vườn hoa, cây xanh để nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Vì thế, đồ án nên coi cả khu vực hồ Thiền Quang là một quảng trường lớn, mà không nên chia nhỏ thành nhiều quảng trường và hạn chế xây dựng công trình bêtông, cốt thép xung quanh hồ.

Để gia tăng chất lượng tiện nghi sử dụng, cần nghiên cứu làm rõ và bổ sung hệ thống không gian bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, hướng tới phục vụ tổng thể chung. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa các tồn tại mà nhiều không gian đô thị đã gặp phải thời gian qua.

Ngoài ra, để thúc đẩy kinh tế đêm của khu vực, đồ án cần làm rõ thêm các nội dung kết nối, tổ chức tuyến tham quan, công trình dịch vụ quy mô vừa và nhỏ (nếu có) để phục vụ liên thông và tiện nghi cho người dân.

Về việc sẽ có 5 quảng trường tại khu vực chỉ rộng 5ha, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - bày tỏ lo ngại không gian xanh cũng có nguy cơ bị biến mất, thay vào đó là tình trạng bêtông hóa quanh hồ. Việc này cần xem xét kỹ.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đồ án nên quan tâm đến trục trung tâm liên kết với khu vực Công viên Thống Nhất; có giải pháp khai thác hiệu quả mặt nước hồ Thiền Quang. Đặc biệt, có giải pháp liên kết với giao thông xung quanh khu vực.

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức cho rằng, mục tiêu cuối cùng của đồ án là hiệu quả sử dụng của người dân, nên việc lấy ý kiến cần được tiến hành kỹ lưỡng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn