MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt điện ở Hà Nội. Ảnh: Thế Kỷ

Lộ trình chuyển đổi xe buýt điện ở Hà Nội còn gian nan

Xuyên Đông LDO | 05/12/2023 07:23

Mặc dù được xác định là xu hướng tất yếu, thế nhưng quá trình chuyển đổi xe buýt điện tại Thủ đô Hà Nội vẫn còn nhiều gian nan.

Lác đác xe buýt điện trên đường

Anh Quách Văn Dương ở Tây Mỗ, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, anh ở một khu đô thị mới nên giao thông công cộng khá phát triển. Từ khu đô thị của anh có xe buýt điện đi trong đô thị và buýt điện đi vào thành phố. Tuy nhiên, nếu đi làm anh còn phải di chuyển thêm 2 chặng nữa mới đến công ty và đều là xe buýt truyền thống. Là một người trẻ quan tâm tới chất lượng môi trường, anh thích đi xe buýt điện và mong muốn sẽ xanh hóa hệ thống phương tiện công cộng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có 2.034 xe buýt trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe CNG (khí nén thiên nhiên) và 138 xe buýt điện đạt 13,6% toàn mạng.

Hướng đi nào cho xe buýt điện?

Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc chuyển đổi phương tiện xe buýt sang phương tiện xanh, sạch (CNG và xe điện) có nhiều khó khăn. Có thể kể đến ba thách thức chính.

Thứ nhất là vốn đầu tư. Theo tính toán, chi phí đầu tư phương tiện xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel. Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp. Kèm theo đó là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển.

Thách thức thứ hai là việc chuyển đổi đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho phương tiện xanh.

Thứ ba là hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện, phục vụ quá trình chuyển đổi xe buýt xanh.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, các phương tiện CNG và buýt điện do Hà Nội vận hành đã đem đến những hiệu ứng tích cực, được nhân dân tiếp nhận, bằng chứng là sản lượng tăng không ngừng, lượng khách đi lại thường xuyên cao.

Hiện nay, UBND TP Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã đưa vào một loạt những cơ chế để quản lý loại hình này, điển hình là Nghị quyết 07 đã có những chính sách ưu tiên cho các phương tiện năng lượng sạch.

Tuy nhiên, quá trình vận hành sẽ có nhiều vấn đề, nhất là về việc trợ giá. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục điều chỉnh những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển của loại hình phương tiện này.

"Trên thực tiễn, thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo, xây dựng ngay đơn giá định mức cho loại hình phương tiện mới, đây là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ, từ đó quyết định lượng hành khách sử dụng. Cùng đó, cần có những điều chỉnh tuyến, điều chỉnh mô hình quản lý, trong đó có quản lý vé" - ông Hải bày tỏ.

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876 ngày 22.7.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn